(HNM) - Liên tiếp các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vừa xảy ra trong tháng 3. Mới đây, trên đường 32 nối Hà Nội với Sơn Tây vừa được sửa chữa, nâng cấp, đã xảy ra tai nạn làm chết 5 người và hàng chục người bị thương.
Tại sao theo báo cáo 3 tháng đầu năm của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, số vụ tai nạn giao thông giảm nhưng số người chết lại không giảm (tháng 3-2015, số người chết do tai nạn giao thông hơn 2.700 người, tăng 169 người)? Tại sao số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gây chết người lại hay xảy ra ở khu vực ngoại thành? Trong khi, khu vực nội thành mật độ giao thông cao, xảy ra ùn tắc, tai nạn nhiều nhưng ít có trường hợp gây chết người? Tại sao các vụ tai nạn nghiêm trọng gần đây lại thường xảy ra ở xe khách?
Trong khi tìm lời giải cho những câu hỏi đó, người ta nhận ra rằng các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đều có sự trùng hợp là do ý thức người tham gia giao thông và tình trạng kỹ thuật xe. Về ý thức người tham gia giao thông, giới truyền thông đã bàn nhiều. Đó là tình trạng kém hiểu biết và coi thường luật giao thông. Tình trạng uống rượu bia trong khi lái xe, lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ, không tuân thủ các biển báo, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm… Với người đi bộ thì tùy tiện sang đường, vượt qua cả rào chắn và biển báo, không chú ý đến các phương tiện qua lại. Tình trạng này tuy đã được tuyên truyền, cảnh báo nhiều nhưng vẫn chưa giảm, nhất là ở các vùng nông thôn mới mở đường, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhưng còn một nguyên nhân tiềm ẩn của tai nạn giao thông chưa được lưu tâm một cách đúng mức là tình trạng bóc lột quá sức lao động làm nghề vận tải, tình trạng dễ dãi trong quản lý kỹ thuật đối với các phương tiện tham gia giao thông. Điểm lại những vụ tai nạn nghiêm trọng vừa qua, ở khu vực miền núi đèo dốc hay ở đồng bằng cũng vậy, đều do lái xe thấm mệt, chủ quan, không làm chủ được tốc độ hoặc do tình trạng kỹ thuật của phương tiện không bảo đảm an toàn.
Thực tế đó đòi hỏi các cơ quan quản lý phải kịp thời ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực và việc tuyển dụng lái xe cần phải chặt chẽ hơn. Những người bị tật, không đủ sức khỏe, nghiện hút, rượu chè hoặc có tiền sử xấu với nghề thì nhất định không được điều khiển phương tiện. Cũng cần ban hành những quy định có tính pháp lý chặt chẽ hơn trong việc sử dụng lao động vận hành phương tiện giao thông và ngăn chặn những lái xe vì tiền, chủ quan, coi thường tính mạng của mình và người khác. Cần có chế tài mạnh xử lý vi phạm quy định việc sử dụng thời gian lao động tối đa, thời gian hoạt động ban đêm, việc chấp hành pháp luật trên đường, không chỉ việc chở quá số người, tải trọng và có quy định nghiêm cấm sử dụng các chất kích thích, chất cấm khi lái xe...
Về tình trạng kỹ thuật phương tiện, lâu nay đã duy trì công tác kiểm định nhưng làm không xuể và có phần bỏ bễ. Thực tế có tới hàng vạn ô tô và xe máy đang lưu thông trên đường không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn, nhưng chỉ khi lâm sự nghiêm trọng mới được cơ quan quản lý biết đến. Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, cả nước hiện có 120.000 xe cơ giới quá niên hạn sử dụng nhưng vẫn lưu thông, trong đó có 80.000 xe tải, 40.000 xe chở khách từ 10 chỗ ngồi trở lên. Trên thực tế, chắc còn nhiều hơn vì đây chỉ mới tính số xe đến đăng ký. Còn rất nhiều xe chưa đăng ký với đăng kiểm, chạy chui lủi qua sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng, nếu không có biện pháp quyết liệt quản lý thì không thể ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông thảm khốc trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.