(HNM) - Hiện nay không ít tập đoàn, tổng công ty nhà nước - các doanh nghiệp (DN) nắm nguồn vốn lớn của Nhà nước, được coi là
Số liệu của ngành chức năng cho thấy, 8 tháng đầu năm nay, tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN nhà nước không mấy khả quan. Chỉ có một số ít tập đoàn, tổng công ty hoàn thành kế hoạch và có mức tăng trưởng lợi nhuận bình quân đạt 15-20%. Rõ ràng, "sức khỏe" nói chung của những "đầu tàu" kinh tế đang có vấn đề. Đặc biệt, nhiều DN nắm giữ, cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống đang gặp khó khăn do thiếu vốn đầu tư và phải đối diện với những khoản lỗ rất lớn. Chẳng hạn, với ngành điện, lũy kế lỗ tính đến ngày 30-6-2011 là 31.565 tỷ đồng (riêng 6 tháng đầu năm nay lỗ 7.918 tỷ đồng). Tổng Công ty Hàng hải (Vinalines) trong 6 tháng đầu năm nay lỗ 660 tỷ đồng, chưa tính khoản nợ 16.000 tỷ đồng từ Vinashin chuyển sang. Được coi là DN chủ lực trong ngành xăng dầu, nhưng Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) 7 tháng đầu năm nay cũng lỗ 1.449 tỷ đồng... Sở dĩ có tình trạng này là do có đến 21/31 DN thuộc hàng "xương sống" của nền kinh tế đầu tư ra ngoài ngành, với tổng vốn đầu tư hơn 22.590 tỷ đồng. Trong đó đáng kể nhất là các tập đoàn: Dầu khí (PVN) đầu tư ra ngoài ngành 6.690 tỷ; Công nghiệp Cao su: 3.700 tỷ đồng; EVN: 2.100 tỷ đồng; có 6 DN đầu tư ra ngoài với số vốn từ 1.000 tỷ đồng trở lên... mặc dù đã được cảnh báo về mức độ rủi ro trong quá trình đầu tư.
Thực trạng đầu tư tràn lan, không hiệu quả, đầu tư ra ngoài ngành của một số DN nhà nước nói trên đã cho thấy hệ thống giám sát hiện nay rất yếu. Khi sự cố xảy ra khó chỉ rõ ngành chức năng nào chịu trách nhiệm chính, cá nhân (người đứng đầu DN) chịu trách nhiệm đến đâu? Hệ thống quản trị của các DN nhà nước cũng thiếu minh bạch. Trong khi các tập đoàn, tổng công ty lớn có nhiều đơn vị thành viên, do cơ chế quản trị không rõ ràng nên dễ phát sinh những hành vi "thỏa thuận", chuyển thuận lợi cho công ty "ruột" trong hệ thống để hưởng lợi nhuận, còn thua lỗ đẩy cho Nhà nước "gánh". Đó là chưa kể các DN nhà nước được ưu ái quá nhiều, cá biệt có DN do "độc quyền tự nhiên" được Nhà nước "bảo hộ" nên không muốn vươn lên, tránh cạnh tranh với DN của các thành phần kinh tế khác... Bởi, các DN thuộc thành phần kinh tế khác nếu có thua lỗ sẽ bị phá sản, còn DN nhà nước có thua lỗ, thất thoát sẽ được giãn, khoanh hay xóa nợ.... Vì thế mới xảy ra tình trạng đáng tiếc nói trên.
Để giảm những thiệt hại lớn cho nền kinh tế đất nước, không còn cách nào khác là phải quyết liệt thực hiện tái cơ cấu để các DN nhà nước hoạt động đạt hiệu quả, trên cơ sở sử dụng đúng mục đích nguồn vốn của Nhà nước. Phải bắt đúng "bệnh" để có phương pháp "trị" kịp thời, nếu không hậu quả sẽ khó lường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.