(HNM) - Công an TP Hồ Chí Minh vừa đề xuất giảm tốc độ trên một số tuyến đường như quốc lộ 1, quốc lộ 22, đường Võ Văn Kiệt, xa lộ Hà Nội, Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng... do số vụ tai nạn giao thông có chiều hướng tăng cao.
Nhiều ý kiến cho rằng, tai nạn giao thông gia tăng do nhiều lý do, trong đó chủ yếu xuất phát từ ý thức người tham gia giao thông phóng nhanh vượt ẩu, chạy lấn làn, đi ngược chiều, hoặc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông...
Những năm qua, Nhà nước đã đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng để đầu tư, nâng cấp các tuyến đường. Đáng nói, đây đều là các tuyến đường lớn, có dải phân cách tách làn riêng ô tô với xe máy. Cũng chưa có một nghiên cứu khoa học nào chứng minh việc cho phép tăng tốc độ tối đa trên các tuyến đường này là nguyên nhân làm gia tăng tai nạn.
Hiệu quả từ việc tăng tốc độ trên những tuyến đường bảo đảm các tiêu chuẩn thiết kế đã rõ: Phương tiện lưu thông thuận lợi hơn, qua đó tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương và vùng miền; ùn tắc giảm; hạn chế lượng khí thải ra môi trường... Đầu tư hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng để làm đường tốt mà khống chế không đúng tốc độ, yêu cầu các phương tiện tham gia giao thông đi chậm lại... sẽ là lãng phí nguồn lực xã hội.
Vậy “bệnh” ở đây chính là ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn kém. Chế tài xử phạt đã đầy đủ, chỉ cần các cơ quan chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm mới hy vọng tai nạn giao thông sẽ giảm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.