Bất động sản

Bất động sản phía Đông Hà Nội: Còn nhiều tiềm năng phát triển

Dạ Khánh 29/07/2023 - 06:41

Nếu như bất động sản khu vực phía Tây Hà Nội đã có một thời gian bùng nổ sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính thì 5 năm trở lại đây, bất động sản khu vực phía Đông Hà Nội đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ, với hàng loạt các dự án đại đô thị cùng sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng. Các chuyên gia cho rằng, khu vực phía Đông Hà Nội còn rất nhiều tiềm năng phát triển...

mot-goc-dai-do-thi-vinhomes.jpg
Một góc Khu đô thị Vinhomes Ocean Park (huyện Gia Lâm). Ảnh: Nguyễn Quang

Đi sau, về trước

Nhìn lại những thay đổi của bất động sản Hà Nội, PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đánh giá, việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội đã tạo hiệu ứng, thúc đẩy toàn bộ cấu trúc bất động sản phía Tây Hà Nội “thức dậy” với một loạt các dự án khu đô thị, chung cư dọc Đại lộ Thăng Long, đường Tố Hữu... Tuy vậy, các đô thị mới chưa thực sự có dấu ấn đặc sắc, chưa tạo được đẳng cấp vượt trội. Mấy năm trở lại đây, các dự án đại đô thị đã mang đến sự bùng nổ cho bất động sản khu vực phía Đông Hà Nội. Lần này, các dự án được đầu tư bài bản bởi các chủ đầu tư uy tín, có chất lượng tốt, chú trọng cảnh quan, môi trường...

Đồng tình với đánh giá của PGS.TS Trần Đình Thiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, bất động sản khu vực phía Đông Hà Nội đi sau so với phía Tây nhưng lại về trước. Với ưu thế về quỹ đất, các dự án đô thị mới trong khu vực được quy hoạch, xây dựng khá đa dạng với diện tích từ 10ha đến 20ha, đáp ứng đầy đủ yêu cầu về mật độ xây dựng, mật độ dân cư, cây xanh... Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh khó khăn chung, thị trường bất động sản khu vực phía Đông vẫn duy trì ổn định. Các dự án đã bàn giao đều có tỷ lệ dân cư ở đông. Đây là một trong những khu vực có nhiều tiềm năng phát triển, có thể nổi lên như một thành phố trẻ thời gian không xa...

Báo cáo nghiên cứu mới đây của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng minh chứng điều này. Theo đó, tính đến hết quý I-2023, khu vực phía Đông Hà Nội đã cung cấp cho thị trường hơn 77.000 sản phẩm.

Trước đó, trong năm 2022, khu vực phía Đông ghi nhận khoảng 11.500 sản phẩm mở bán mới, phần lớn đến từ các dự án đại đô thị trong quần thể Vinhomes Ocean Park. Khu vực phía Đông Hà Nội đứng đầu về nguồn cung căn hộ và sản phẩm thấp tầng, chiếm lần lượt khoảng 60% và 80% tổng nguồn cung hiện hữu tại thị trường bất động sản Hà Nội và Văn Giang (Hưng Yên). Năm 2022, tổng nguồn cung bất động sản từ khu vực phía Đông Hà Nội gấp đôi khu vực phía Tây và gấp 5 lần các khu vực còn lại. Hơn 8.000 giao dịch thành công được ghi nhận, đứng đầu thị trường.

Cùng với lượng giao dịch, khu vực phía Đông còn được nhận xét có tốc độ tăng giá tốt nhất do các dự án khu vực này đều là dự án đại đô thị chất lượng cao. Đặc biệt, sản phẩm thấp tầng, giá sơ cấp trung bình đạt 155 triệu đồng/m2. Đáng chú ý, giai đoạn 2012-2022, giá chào bán thị trường sơ cấp ghi nhận mức tăng đều, trung bình 20%/năm.

Còn nhiều tiềm năng

Dự báo về tiềm năng của bất động sản phía Đông Hà Nội, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn và phát triển bất động sản SGO Homes Lê Đình Chung cho rằng, hiện có nhiều yếu tố tích cực giúp thị trường phía Đông phát triển, trong đó, huyện Gia Lâm có phương án trở thành quận. Năm 2022, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý tăng vượt kế hoạch; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ. Trong khi đó, kinh tế quận Long Biên luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, giá trị sản xuất bình quân hằng năm tăng ở mức cao (15-21%/năm). Đến năm 2025, quận dự kiến đạt chỉ tiêu thu nhập 107 triệu đồng/người/năm, tăng 23% so năm 2022. Còn quy hoạch đô thị huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) có tính chất là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục - đào tạo của khu vực; đầu mối giao thông, giao lưu quan trọng của vùng Thủ đô Hà Nội, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Trong khi đó, khu vực này quỹ đất còn rất nhiều, hạ tầng giao thông ngày càng được chú trọng đầu tư, phù hợp với phát triển nhiều dự án lớn...

Đặc biệt, theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, lực cầu tại đây vẫn rất mạnh mẽ đến từ lượng lớn dân cư theo làn sóng dịch chuyển từ khu vực trung tâm thành phố cũng như tầng lớp trung lưu các tỉnh, thành lân cận mong muốn có không gian sống tiện ích, đồng bộ, chất lượng cao. Ngoài ra, làn sóng dịch chuyển dây chuyền sản xuất về Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài, kéo theo nhu cầu về nơi ở cao cấp cho các chuyên gia quốc tế tăng mạnh... Theo đó, dự báo, thị trường bất động sản phía Đông sẽ sôi động trong thời gian tới.

Theo Tiến sĩ Trần Xuân Lượng, chuyên ngành Bất động sản (Đại học Kinh tế quốc dân), Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng phát triển thành phố hai bên sông Hồng. Trong khi đó, khu vực phía Đông có cả sông Hồng được thiên nhiên ban tặng, cùng quỹ đất rộng lớn, đủ để phát triển nhiều dự án, công trình quy mô. Đặc biệt, khu vực này kết nối với nhiều tỉnh trọng điểm, là trục chính, nằm gọn trong đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Do đó, nơi đây hội đủ nhiều yếu tố để bất động sản phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Dưới góc độ doanh nghiệp phát triển dịch vụ bất động sản, Phó Tổng Giám đốc Newstarland Vũ Hà Thu cho hay, hiện nay người dân không quan trọng khoảng cách bao xa mà quan trọng di chuyển bao lâu. Với hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh và sắp tới có thêm nhiều hơn nữa các cây cầu bắc qua sông Hồng, việc di chuyển giữa khu vực phía Đông và trung tâm thành phố ngày càng nhanh và thuận tiện. Vì vậy, dù là vùng ven Thủ đô nhưng được quy hoạch đồng bộ hạ tầng, thì người dân vẫn đổ về sinh sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất động sản phía Đông Hà Nội: Còn nhiều tiềm năng phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.