Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bất đồng mới, nguyên nhân cũ

Lâm Phương| 09/02/2010 06:36

(HNM) - Nút tái khởi động cỗ máy quan hệ Mỹ - Nga mới vừa nhấn chạy thử một thời gian ngắn nay đã gặp trục trặc. Nguyên nhân chính vẫn xoay quanh Hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ (NMD) tại Đông Âu - một vấn đề vốn được coi là gai góc nhất trong quan hệ giữa hai nước trong thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh.

Đây cũng là yếu tố quyết định khiến Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược mới (START-2) giữa Nga và Mỹ nhằm thay thế văn bản cũ đã hết hạn từ tháng 12-2009 có thể bị đình hoãn vô thời hạn.

Như vậy, kể từ khi Hội nghị an ninh quốc tế lần thứ 46 tại Muyních (Đức) vừa kết thúc (6-2) với tuyên bố của Cố vấn Tổng thống Mỹ về an ninh quốc gia Giêm Giôn về một giai đoạn triển khai mới của hệ thống lá chắn tên lửa Mỹ tại Đông Âu (vẫn gồm Ba Lan, CH Séc và mới thêm cả Rumani) đã hoàn toàn trái ngược với những tín hiệu lạc quan hồi đầu tuần trước khi Mátxcơva và Oasinhtơn thông báo đạt được thỏa thuận trên nguyên tắc về START-2 và chỉ còn chờ "ngày đẹp" để ký. Nó cũng trái ngược với tuyên bố hồi trung tuần tháng 9-2009 của Thủ tướng CH Séc J.Phisơ được dẫn lời của Tổng thống Mỹ B.Ôbama rằng Mỹ sẽ không triển khai NMD tại Ba Lan và CH Séc.

Điều bất ngờ là Mỹ đã chọn thời điểm này để tuyên bố khởi động giai đoạn mới cho việc triển khai các thành phần trong hệ thống phòng thủ tên lửa tại không chỉ Ba Lan, Séc mà còn cả Rumani. Trong khi đó, Nga cũng vừa phê chuẩn Học thuyết quân sự mới đến năm 2020, coi NMD là vi phạm tương quan lực lượng về tên lửa - hạt nhân và là nguy cơ nghiêm trọng nhất đối với an ninh nước này. Theo đó, Mátxcơva bảo lưu quyền sử dụng vũ khí hạt nhân đáp lại việc sử dụng vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác nhằm chống lại Nga và đồng minh; đồng thời bảo lưu quyền sử dụng quân đội Nga ở bên ngoài lãnh thổ nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia và công dân Nga, góp phần duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Điện Cremli đã không ngần ngại khẳng định tương lai mong manh của START-2 khi Oasinhtơn vẫn triển khai NMD - một hành động mà Nga cho là không thể không ảnh hưởng đến cấu trúc an ninh châu Âu. Lập trường của Mátxcơva từ trước tới nay vẫn cho rằng, việc Mỹ đưa NMD, hạ tầng cơ sở chiến tranh, một mắt xích quan trọng trong chiến lược toàn cầu sát biên giới Nga là đe dọa tới an ninh của Nga. Rõ ràng, dù quan hệ Nga - Mỹ đang ấm dần lên, nhưng mối ngờ vực lâu nay giữa Nga và Mỹ vẫn còn đó và giai đoạn mới triển khai lá chắn tên lửa Mỹ tại Đông Âu vừa được công khai đã cho thấy điều đó. Mối quan tâm nhất hiện nay của dư luận là, bất đồng mới giữa hai cường quốc quân sự hàng đầu thế giới một lần nữa có nguy cơ làm dấy lên mối lo ngại về cuộc chạy đua vũ trang mới.

Từ thời kỳ Chiến tranh lạnh đến nay, trạng thái hòa bình giữa hai nước Mỹ - Nga được duy trì trên cơ sở Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) được ký kết năm 1972 và START-1 được ký vào năm 1991. Đây được coi là cán cân thăng bằng lực lượng của hai siêu cường quân sự và hòn đá tảng nhằm duy trì sự ổn định an ninh thế giới. Việc Mỹ vừa khẳng định tiếp tục theo đuổi NMD khi START-2 chưa được ký được xem là sẽ phá vỡ thế cân bằng của lực lượng chiến lược toàn cầu. Hiển nhiên, Nga sẽ không khoanh tay đứng nhìn. Không nghi ngờ gì nữa, sự tiến bộ kỹ thuật chống tên lửa của Mỹ hay tiến bộ của kỹ thuật phóng tên lửa của Nga với nhân loại đều không phải là điềm lành. Ngược lại, hai kỹ năng chết người này chỉ khiến hòa bình thế giới trở nên mong manh hơn.

Khi được nhìn thấy các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí hạt nhân có tiến triển, thế giới đã tin rằng quan hệ Nga - Mỹ đã bước sang một trang mới, mở đường cho một cuộc tìm kiếm chung nhằm hóa giải bất đồng giữa hai bên. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra lại cho cảm nhận: giữa Nga và Mỹ đang có một trạng thái mà người ta có thể tạm gọi là "hòa bình nóng" - tức là đối đầu xen lẫn hợp tác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất đồng mới, nguyên nhân cũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.