Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bắt đầu từ từng tế bào trong xã hội

Linh Nhi| 28/06/2011 07:08

(HNM) - Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, là nơi bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, là bệ phóng cho sự phát triển bền vững của xã hội...


Với ý nghĩa cao cả đó, hằng năm, cứ đến dịp Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), tổ chức công đoàn (CĐ) Thủ đô lại bình xét, lựa chọn, tổ chức các hội nghị biểu dương, tôn vinh gia đình CNVCLĐ tiêu biểu. Đây là sự quan tâm của tổ chức CĐ đối với đội ngũ người lao động (NLĐ) và góp phần quan trọng trong việc nhân lên những mái ấm gia đình hạnh phúc.

Người giữ lửa...


Gia đình văn minh, hạnh phúc là nền tảng của xã hội. Ảnh: Gia Hiếu


Vinh dự là một trong 100 gia đình CNVCLĐ tiêu biểu Thủ đô năm 2011, vừa được LĐLĐ TP Hà Nội biểu dương, chị Nguyễn Thị Yến, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành Công B, quận Ba Đình đã chia sẻ "bí quyết" để có một gia đình hạnh phúc mà vẫn hoàn thành xuất sắc cương vị công tác. Với suy nghĩ, xã hội bình đẳng, phụ nữ vừa là "người giữ lửa" gia đình, song cũng là người của công việc, suốt 27 năm qua, chị Yến không ngừng phấn đấu để vừa dung hòa quan hệ mẹ chồng, nàng dâu, chăm sóc, nuôi dạy con, vừa chăm lo công việc ở trường. Với cương vị là hiệu trưởng, dưới sự lãnh đạo của chị, nhiều năm liền, Trường Tiểu học Thành Công B luôn đạt danh hiệu trường tiên tiến, chi bộ trong sạch vững mạnh, có nhiều học sinh đoạt giải cao cấp quận, TP và toàn quốc. Bản thân chị cũng thường xuyên đạt danh hiệu Người tốt việc tốt, Chiến sĩ thi đua… Ở gia đình, dưới bàn tay chăm lo, vun vén của chị, tổ ấm luôn hòa thuận, hạnh phúc, liên tục đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa", các con chị đều thành đạt. ''Để có được thành quả như ngày hôm nay, tôi may mắn có một gia đình mà mọi thành viên, nhất là người chồng luôn yêu thương, tôn trọng, quan tâm, chia sẻ, giúp tôi làm tròn bổn phận của mình'' - chị Yến chia sẻ.

Trên thực tế, thời đại ngày nay, hạnh phúc gia đình phụ thuộc khá nhiều từ hai phía. Đó cũng là quan điểm của anh Bùi Xuân Thượng - Trưởng phòng Tổ chức hành chính Ban Quản lý giao thông đô thị (CĐ ngành GTVT Hà Nội). Anh Thượng tâm sự, trong gia đình, vợ chồng anh thường xuyên giúp đỡ, động viên nhau tích cực công tác, rèn luyện nâng cao trình độ. Mọi việc trong gia đình đều được vợ chồng bàn bạc nhất trí, lắng nghe ý kiến của nhau. Là cán bộ quản lý, ngoài giờ làm việc còn theo học các lớp nâng cao trình độ, công việc bận rộn, nhưng khi về nhà anh luôn sắp xếp thời gian hợp lý để cùng vợ chia sẻ công việc gia đình, nuôi dạy con, chăm sóc gia đình hai bên... Là người chồng, người cha, anh Thượng luôn gương mẫu, nêu gương tốt về lối sống cần kiệm, hòa thuận trên kính dưới nhường, cho các con học tập noi theo. Với sự đồng thuận, chia sẻ ấy, vợ chồng anh thường xuyên đạt nhiều thành tích cao trong lao động sản xuất, công tác và nuôi dạy con.

Nhân lên những tổ ấm hạnh phúc

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội cho biết, với quan điểm "Gia đình là nền tảng của xã hội", từ năm 2001 đến nay, LĐLĐ TP rất quan tâm tới công tác xây dựng gia đình văn hóa trong CNVCLĐ. Hằng năm, LĐLĐ TP chỉ đạo các cấp CĐ Thủ đô có nhiều hoạt động thiết thực như: tuyên truyền các chủ trương, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác xây dựng gia đình văn hóa trong CNVCLĐ; tổ chức các hội nghị tọa đàm về xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc; mời báo cáo viên nói chuyện về hạnh phúc gia đình trong thời kỳ CNH, HĐH Thủ đô, đất nước, về vai trò người chồng, người cha trong gia đình… Các phong trào thi đua lao động giỏi, nữ CNVCLĐ giỏi việc nước đảm việc nhà, mẹ lao động giỏi con học giỏi được phát động sâu rộng đã động viên, khích lệ nữ CNVCLĐ vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời chăm lo gia đình, nuôi dạy con khỏe, ngoan, học giỏi.

Thiết thực hơn, LĐLĐ TP đã cho hàng trăm lượt CNVCLĐ vay vốn với lãi suất thấp để phát triển kinh tế gia đình, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho CNVCLĐ; hỗ trợ xây dựng hàng trăm mái ấm CĐ để CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn được "an cư, lạc nghiệp". CĐ các cấp còn đặc biệt quan tâm đến công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em thông qua việc tặng phần thưởng cho học sinh giỏi hằng năm, trao học bổng cho các cháu có thành tích xuất sắc trong học tập, trợ cấp cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp ngày lễ tết, hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm vui chơi ở các trường mầm non… Qua đó góp phần làm phong phú hơn đời sống tinh thần và vật chất của đội ngũ CNVCLĐ, giúp họ có động lực để giữ lửa, xây dựng mái ấm. Từ nền tảng của cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa, căn cứ các tiêu chí công nhận gia đình CNVCLĐ tiêu biểu của LĐLĐ TP, năm 2011, các cấp CĐ đã tiến hành bình chọn và biểu dương 31.715 gia đình CNVCLĐ tiêu biểu cấp cơ sở, gần 3.000 gia đình CNVCLĐ tiêu biểu cấp trên cơ sở, 100 gia đình CNVCLĐ tiêu biểu xuất sắc được LĐLĐ TP biểu dương khen thưởng.

Với chủ trương duy trì việc biểu dương các gia đình CNVCLĐ tiêu biểu, LĐLĐ TP tiếp tục chọn đây là hoạt động trọng tâm, nhằm động viên cán bộ CNVCLĐ vươn lên trong sản xuất, công tác, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng tiến bộ, hạnh phúc. LĐLĐ TP đã và đang chỉ đạo các cấp CĐ đẩy mạnh tuyên truyền về bình đẳng giới, kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, thực hiện nghiêm Pháp lệnh Dân số và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; tiếp tục triển khai Chỉ thị số 49/CT-TƯ của Ban Bí thư, Chỉ thị số 36/CT-TƯ về tăng cường sự lãnh đạo và tổ chức xây dựng gia đình thời kỳ CNH- HĐH đất nước; thường xuyên quan tâm đời sống vật chất, tinh thần của CNVCLĐ, hỗ trợ, tạo điều kiện để CNVCLĐ xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắt đầu từ từng tế bào trong xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.