(HNM) - Ông Gael de la Porte du Thei, Chủ tịch Tập đoàn Interface Tourism (Pháp) từng nhận xét:
Khách du lịch quốc tế tham quan khu trung tâm Hà Nội. Ảnh: Linh Tâm |
WC - chuyện tưởng nhỏ, hóa lớn
Đến các danh lam, thắng cảnh khắp Bắc - Trung - Nam của nước ta, điều khiến du khách phiền lòng là nơi giải quyết những nhu cầu "không thể đừng" vừa thiếu, vừa bẩn. Còn ở đất nước được ví là "thiên đường của du lịch", vấn đề xây dựng nhà vệ sinh (NVS) để phục vụ du khách lại được ngành du lịch nước này đặc biệt quan tâm.
Chúng tôi đã đi qua 4 tỉnh miền Đông (gồm: Chonburi, Rayong, Chanthaburi, Trat), thành phố Pattaya và Thủ đô Bangkok. Ở bất kỳ đâu, từ điểm du lịch, khu vui chơi, đến siêu thị, cửa hàng, trạm xăng… cũng thấy có NVS không chỉ sạch mà còn đẹp, rộng rãi, thoáng mát, có cả lối đi và cabin dành riêng cho người khuyết tật. Ở những nơi rất đông du khách nhưng lúc nào NVS cũng tinh tươm. Thậm chí, nhà hàng Tamnanpar (tỉnh Rayong nằm cách Bangkok 179km về phía Đông Nam) có NVS được bình chọn và gắn biển "World Toilet Champions" (NVS đẹp nhất thế giới). Với lối thiết kế sáng tạo, đưa thiên nhiên gần gũi với cuộc sống con người, du khách vào NVS này thực sự tìm thấy cảm giác được thư giãn sau một chặng hành trình dài. Vẻ đẹp, sự tiện nghi của NVS khiến nhiều du khách phải nán lại để chụp vài bức ảnh làm kỷ niệm.
Biết chăm chút cho hành trình du lịch của khách từ việc tưởng như rất nhỏ ấy nên không lạ khi thái độ phục vụ của nhân viên du lịch cũng như của người dân luôn khiến ai đã đến mỗi địa chỉ du lịch đều thấy hài lòng. Dù bước chân vào một khách sạn hạng sang hay một quán ăn ven đường, du khách đều nhận được những ánh mắt thân thiện, niềm nở từ những ông chủ cho đến nhân viên phục vụ. Những điều tưởng chừng như rất nhỏ ấy lại là mặt hạn chế của du lịch Việt Nam trong suốt nhiều năm qua. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, 2/3 số du khách đã đến Việt Nam đều phàn nàn về thái độ ứng xử của người dân tại những điểm du lịch.
"Việt Nam có nhiều danh thắng đẳng cấp quốc tế, nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế rằng, chất lượng dịch vụ du lịch còn hạn chế và thiếu tính chuyên nghiệp", nhận xét ấy không phải là không có cơ sở.
Mỗi làng nghề một sản phẩm du lịch
Dù bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng chính trị xảy ra liên tiếp nhưng ngành du lịch Thái Lan luôn nỗ lực tạo ra những sản phẩm mới để hấp dẫn du khách.
Tỉnh Chanthaburi cách sân bay quốc tế Suvarnabhumi (Bangkok) 250km nhưng chỉ mất hơn 2 giờ chạy xe, du khách đã có mặt tại một đô thị nhỏ. Sự chuyên nghiệp của các hãng lữ hành địa phương được thể hiện từ việc cung cấp thông tin, phát tờ rơi cho đến thuyết trình về chính sách về giá khi trao đổi với doanh nghiệp du lịch Việt Nam. Phó Tỉnh trưởng Dongsatorn Sajacholapunl cho biết, một trong những biện pháp đa dạng hóa sản phẩm du lịch là thực hiện chiến lược "Mỗi làng nghề một sản phẩm du lịch". Điều khá thú vị và cũng đáng buồn là món quà lưu niệm mà ông Phó Tỉnh trưởng gửi tới khách là những chiếc hộp xinh xắn được làm từ cói và nghề dệt cói tại đây lại do chính người Việt Nam mang sang từ đời vua Rama III (khoảng năm 1832). Nay dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân Thái, các sản phẩm thủ công làm từ cói như: chiếu, thảm, hộp đựng khăn giấy, hộp đựng đồ trang sức… đang trở thành những món quà lưu niệm được khách du lịch yêu thích.
Còn tỉnh Rayong lại gây ấn tượng về việc đưa trang trại Suphatraland vào phát triển du lịch. Chỉ mất khoảng 3 USD (tương đương 60.000 đồng), du khách sẽ được ngồi trên những chiếc xe điện tham quan những vườn cây trái xanh mướt, được tự do thưởng thức hương vị thơm ngon của đủ loại quả như đu đủ, sầu riêng, măng cụt, xoài... Từ một trang trại chuyên cung cấp trái cây, Suphatraland đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn. Mỗi ngày, nơi đây đón tiếp khoảng 1.500 - 2.000 khách tham quan. Không chỉ Suphatraland, nhiều trang trại khác ở Rayong đã trở thành điểm du lịch sinh thái, đồng thời là nơi tiêu thụ hoa quả lớn nhất Thái Lan.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực du lịch, ông Gael de la Porte du Thei đã đưa ra một nghiên cứu cho thấy, trong số các du khách Pháp đến Thái Lan thì có 1/3 đến lần đầu, 1/3 đến lần thứ hai, số còn lại là khách quen. Trong khi đó, ông cho biết, có đến 85% khách Pháp đã đến Việt Nam một lần cho biết sẽ không trở lại. "Trông người lại ngẫm đến ta" để thấy rằng, du lịch Việt Nam vẫn chưa thực sự tạo được những bước đột phá nhờ vào những sản phẩm độc đáo của từng địa phương. Dù đã có nhiều nỗ lực quảng bá hình ảnh, xây dựng cơ sở vật chất để từng bước thu hút du khách đến các điểm du lịch, nhưng những chuyện nhỏ như cái NVS mà không lo chu đáo thì du lịch Việt Nam sẽ khó đạt được sự phát triển như mong muốn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.