(HNM) - Có nhiều yếu tố tạo nên chất lượng giáo dục như giáo viên, chương trình và sách giáo khoa; phương pháp dạy học; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học... Trong đó, yếu tố hàng đầu là cơ sở vật chất nhằm bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh.
Ở một số địa phương tại Hà Nội, tình trạng trường, lớp học quá tải đã diễn ra từ nhiều năm nay. Nguyên nhân việc này đến từ việc Hà Nội có tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, kéo theo tình trạng dân số cơ học tăng nhanh. Nhiều trường vì thế đã không đáp ứng được quy định sĩ số học sinh/lớp theo Điều lệ trường học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, trong khi chất lượng dạy và học của các nhà trường bị ảnh hưởng.
Đáng nói là bên cạnh số học sinh tăng nhanh do tăng dân số cơ học, một số trường được cho là có chất lượng giáo dục tốt hơn thường bị quá tải do lượng học sinh theo học đông, trong đó có không ít đối tượng học sinh học trái tuyến. Thực tế này dẫn đến tình trạng có trường dù ở khu vực nội đô nhưng vẫn gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh.
Trong khi đó, theo khẳng định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, với số lượng học sinh và trường học trên địa bàn hiện nay, về cơ bản, học sinh Thủ đô có đủ chỗ học. Vì vậy, vấn đề cần tập trung giải quyết chính là phải khắc phục cho được tình trạng quá tải học sinh đang xảy ra cục bộ ở một số địa phương hiện nay. Ngoài giải pháp xây dựng mới, cải tạo, mở rộng trường lớp học đang được các địa phương tích cực triển khai, thì phải khắc phục ngay tình trạng "nơi thừa, nơi thiếu" trong công tác tuyển sinh.
Trước hết, ngành Giáo dục Thủ đô và các địa phương cần tiếp tục thực hiện thật tốt việc rà soát số lượng học sinh đầu cấp, tổ chức phân tuyến tuyển sinh theo đúng quy định. Trên cơ sở phương án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, công tác tuyển sinh cần được tiến hành một cách chặt chẽ, hạn chế đến mức thấp nhất việc tuyển sinh trái tuyến. Bên cạnh đó là tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, công khai minh bạch về thông tin tuyển sinh để phụ huynh nắm rõ, từ đó không thực hiện “chạy” trường, "chạy" lớp.
Nhiệm vụ quan trọng tiếp theo là ngành Giáo dục cần nâng cao chất lượng giáo dục, bảo đảm đồng đều, cân đối giữa các trường, các địa phương trên địa bàn thành phố. Theo đó, cùng với tăng nguồn lực để hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, yêu cầu đặt ra là cần tiếp tục chuẩn hóa năng lực, trình độ cho đội ngũ giáo viên.
Về lâu dài, ngành Giáo dục Thủ đô cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, cơ quan chức năng nhằm quy hoạch, xây dựng mạng lưới trường học phù hợp với tình hình, xu thế phát triển của từng khu vực, địa bàn dân cư. Đặc biệt, với những nơi đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, có thể xem xét không phê duyệt thêm dự án xây dựng nhà ở khi chưa bảo đảm hạ tầng xã hội, trong đó có hệ thống trường học.
Công tác huy động các nguồn lực đầu tư mở rộng hệ thống trường học ngoài công lập cũng cần đẩy mạnh hơn nữa trên cơ sở khuyến khích bằng các cơ chế, chính sách thuận lợi, phù hợp với đặc thù địa phương. Đồng thời, phải tăng cường quản lý chất lượng dạy học và hoạt động liên quan của hệ thống trường ngoài công lập, từ đó tạo niềm tin cho phụ huynh khi cho con theo học ở môi trường này.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp để đáp ứng đầy đủ chỗ học theo đúng quy định hiện hành sẽ giúp học sinh tập trung, tăng tư duy, nâng cao chất lượng học tập. Từ đó, góp phần vào xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô, đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.