(HNM) - Ngày 10-3, các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc bắt đầu triển khai tiêm phòng vắc xin sởi. Đối tượng của đợt tiêm này là trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi, chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin sởi theo lịch tiêm chủng và đối tượng đã ở vùng có dịch.
Dự kiến, trong đợt này có khoảng 150 nghìn trẻ được tiêm vắc xin sởi. Như vậy, từ nay đến tháng 4, cả nước sẽ có khoảng 300 nghìn trẻ được tiêm vét vắc xin sởi. Theo Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, hiện chương trình tiêm chủng mở rộng đang sử dụng vắc xin sởi do Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế Việt Nam sản xuất. Vắc xin được đánh giá an toàn và hiệu quả. Phản ứng phụ của vắc xin là đau, sưng đỏ tại chỗ tiêm, một số trẻ có thể có sốt, nổi ban, sổ mũi và tự khỏi sau 1-2 ngày.
* Cùng ngày, theo tin từ khoa Nhi (Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba), từ đầu năm đến nay, tại đây đã tiếp nhận hơn 50 ca mắc sởi, trong đó có 3 trường hợp biến chứng nặng. TS Nguyễn Thị Anh Xuân, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba) cho biết, bất thường là hiện nay dịch có nhiều điều khác lạ khi trẻ nhỏ hơn 1 tháng tuổi cũng bị mắc bệnh. Đơn cử như trường hợp bệnh nhi nhỏ tuổi nhất mà khoa từng tiếp nhận từ trước đến nay, mới 45 ngày tuổi đã mắc sởi. Trước đó, mẹ bệnh nhi đã mắc sởi và lây truyền sang con. Người mẹ không rõ đã tiêm phòng sởi hay chưa.
TS Nguyễn Thị Anh Xuân nhận định, nếu tiêm phòng đủ người mẹ sẽ truyền miễn dịch sang con khi mang thai. Lỗ hổng miễn dịch ở đây có thể do mẹ chưa tiêm phòng sởi hoặc mới chỉ tiêm 1 mũi, do đó sinh con không có kháng thể tốt. Để phòng bệnh sởi, các bà mẹ trong độ tuổi sinh nở nên tiêm phòng đầy đủ hoặc đã tiêm 1 mũi thì nên tiêm bổ sung thêm mũi 2.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.