Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bắt đầu “tan băng”

Thùy Dương| 29/06/2016 06:15

(HNM) - Trong một động thái khá bất ngờ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã gửi thư tới người đồng cấp Nga Vladimir Putin công khai xin lỗi vụ Ankara đã bắn hạ một chiếc máy bay chiến đấu của Nga tại khu vực biên giới với Syria tháng 11-2015.



Thổ Nhĩ Kỳ cải thiện quan hệ với Nga để hỗ trợ nền kinh tế đang khó khăn.


Quan hệ tốt đẹp giữa hai nước đột ngột lao dốc sau vụ một chiếc F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay ném bom Su-24 của Nga gần biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 11 năm ngoái với cáo buộc xâm phạm không phận. Phi công Oleg Peshkov bị các tay súng vũ trang mặt đất bắn chết khi đang nhảy dù. Ngay sau đó, Mátxcơva đã áp đặt cấm vận thương mại và du lịch đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Mối quan hệ giữa lãnh đạo hai nước đã đi từ bạn bè sang thù địch khi Tổng thống V.Putin mô tả sự cố nêu trên là một hành động “đâm lén sau lưng” của chính quyền Ankara; đồng thời tuyên bố sẽ không dỡ bỏ lệnh cấm này nếu Tổng thống R.Erdogan không nói lời xin lỗi và đền bù thiệt hại. Về phần mình, Tổng thống đương nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ cũng tỏ ra cứng rắn không kém. Do vậy, hành động của Ankara trong những ngày vừa qua thực sự gây bất ngờ cho dư luận quốc tế.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, lời xin lỗi Nga của Tổng thống R.Erdogan là cần thiết để cải thiện tình hình khi nhiều doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ chịu ảnh hưởng nặng nề do mối quan hệ căng thẳng với Nga, cũng như do sự thay đổi của tình hình thế giới. Đặc biệt, sự kiện Anh rời bỏ Liên minh Châu Âu (EU) có thể đóng một vai trò đáng kể. Mặc dù những tác động tới Thổ Nhĩ Kỳ từ sự ra đi của nước Anh chưa rõ ràng, nhưng nền kinh tế của quốc gia này vốn có liên quan chặt chẽ với Châu Âu. Nếu tình hình phát triển theo chiều hướng tiêu cực, đó sẽ là một đòn mạnh đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong một tình huống bấp bênh như vậy, Ankara rất cần các biện pháp chuẩn bị an toàn. Thổ Nhĩ Kỳ muốn chấm dứt căng thẳng với Nga để cứu vãn nền kinh tế và uy tín bị sụt giảm theo các nguồn đầu tư và khách du lịch Nga, cũng như những rủi ro sắp tới từ Brexit.

Trong khi đó, Nga phải đối mặt với nguy cơ mất đi một đối tác chiến lược trong các dự án năng lượng khổng lồ. Theo chuyên gia năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ Gokhan Yardim, Mátxcơva đang chịu sức ép về việc tìm kiếm một tuyến đường khí đốt tới Châu Âu khi thỏa thuận vận chuyển với Ukraine dự kiến hết hạn vào năm 2019. Một lựa chọn cho nước Nga là đường ống Dòng chảy phương Nam chạy tới Bulgaria qua Biển Đen tới Châu Âu. Tuy nhiên, dự án này không nhận được sự ủng hộ của EU. Vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ là đáp án mà nước Nga mong muốn để thay thế tuyến đường Ukraine. Thực tế, trước khi xảy ra khủng hoảng, thương mại song phương giữa hai quốc gia diễn ra khá mạnh mẽ và Nga được hưởng lợi lớn từ việc bán dầu khí cho Thổ Nhĩ Kỳ. Với những lợi ích trên, không nghi ngờ gì khi nhà lãnh đạo hai bên liên tục có các thông điệp hòa giải. Trong chuyến thăm Hy Lạp mới đây, Tổng thống V.Putin đã khẳng định rõ ràng rằng: Nga không muốn chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau lời xin lỗi khởi đầu cho tiến trình hòa giải, Thổ Nhĩ Kỳ còn cần phải giải quyết nhiều vấn đề như bồi thường cho gia đình phi công, thanh toán chi phí thiệt hại, xét xử và trừng phạt những người có trách nhiệm liên quan đến vụ việc. Tuy nhiên, hành động của Tổng thống R.Erdogan về cơ bản đã cởi bỏ được nút thắt và tạo cơ hội để mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Nga có thể trở lại sự nồng ấm, đặc biệt khi cả hai bên đều được hưởng lợi từ sự "tan băng" này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắt đầu “tan băng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.