(HNM) - Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ngày 29-12, Hội nghị trực tuyến của Chính phủ và các địa phương tiếp tục thảo luận nhiều vấn đề quan trọng.
Bắt đầu giảm phương tiện cá nhân từ năm 2020
Mở đầu, Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng báo cáo kết quả về kết cấu hạ tầng giao thông năm 2015, phương hướng, nhiệm vụ năm 2016. Đáng lưu ý, Bộ trưởng Bộ GT-VT bày tỏ đồng tình với đề xuất của UBND TP Hà Nội về xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân.
Bộ GT-VT đã đồng ý với UBND TP Hà Nội về lộ trình giảm phương tiện giao thông cá nhân - giải pháp khắc phục ùn tắc hiện nay. Ảnh: Nhật Nam |
Theo Bộ trưởng Bộ GT-VT, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đã xây dựng đề án phát triển hợp lý hệ thống giao thông công cộng, trong đó tập trung đẩy mạnh giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân theo từng tuyến phố, giờ cao điểm. Lĩnh vực này đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải kết luận, giao các thành phố lập đề án trình HĐND quyết định từ tháng 1-2014.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ GT-VT, để phát triển giao thông đô thị bền vững, Bộ đặt ra mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) của Hà Nội đáp ứng khoảng 25% nhu cầu đi lại (trong đó, đường sắt đô thị chiếm 2-3%), TP Hồ Chí Minh đáp ứng khoảng 20% nhu cầu đi lại (trong đó, đường sắt đô thị chiếm 4-5%).
Việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân sẽ được thực hiện theo lộ trình, bắt đầu từ năm 2020. Bộ GT-VT sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ VTHKCC với chi phí phù hợp; hoàn thiện mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt và xe buýt nhanh trong các đô thị từ loại 1 trở lên; đưa vào vận hành từ một đến hai tuyến đường sắt đô thị tại Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; phát triển phương tiện vận tải công cộng sức chứa nhỏ và xe taxi bảo đảm gom khách cho dịch vụ xe buýt và đường sắt đô thị.
Nhận thức về Cộng đồng ASEAN - hạn chế
Báo cáo về lĩnh vực ngoại giao, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, việc gia nhập Cộng đồng ASEAN đem về nhiều lợi ích cho Việt Nam. Tuy nhiên, theo khảo sát gần đây của VCCI, chỉ 10% doanh nghiệp Việt Nam hiểu biết và có thể tận dụng được những lợi thế này. Thực tế, người lao động Việt Nam chưa đủ hiểu biết để có thể làm lao động quốc tế. Nhiều người lao động vẫn tranh thủ các chương trình xuất khẩu lao động để sang nước bạn "làm chui" và bị xác định là những lao động di cư bất hợp pháp.
Thời gian qua, Bộ Ngoại giao rất nỗ lực trong công tác bảo đảm an toàn của công dân Việt Nam nhưng tình trạng "vượt rào" dẫn tới rất khó bảo đảm an toàn, an ninh cho công dân Việt Nam.Vì thế, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đề nghị Bộ LĐ-TB&XH thúc đẩy ký kết hợp tác hợp đồng lao động với các nước; đồng thời, các tỉnh kiểm soát người địa phương mình đi lao động ở nước ngoài.
Liên quan đến lĩnh vực lao động quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, đất nước ta thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế khi Cộng đồng ASEAN sắp hình thành, Việt Nam đã có quan hệ thương mại tự do với 55 quốc gia, trong đó có 20 nước là những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bên cạnh những thuận lợi, cơ hội từ hội nhập, chúng ta phải cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường hết sức gay gắt và quyết liệt. Thủ tướng cho biết, nhiều nước trong ASEAN đang đẩy mạnh việc giáo dục pháp luật cho ngư dân, đặc biệt về vấn đề lãnh hải, ranh giới vùng biển giữa các nước. Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT cùng các tỉnh ven biển phải đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật cho ngư dân để vừa bảo vệ chủ quyền của nước ta, vừa không xâm phạm chủ quyền các nước bạn.
Nhấn mạnh 7 nhóm giải pháp lớn cho năm 2016 Sau hai ngày làm việc với tinh thần tích cực, Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương đã kết thúc. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp lớn cho năm 2016: Tiếp tục bảo đảm và tăng cường sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát; đột phá về xây dựng cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Tiếp tục quan tâm thúc đẩy phát triển văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, cải thiện đời sống mọi mặt của nhân dân. Tập trung chỉ đạo tốt hơn nữa cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính để cải thiện tốt hơn môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí phiền hà cho doanh nghiệp và người dân. Tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi, tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài cả về vốn, thị trường, kinh nghiệm quản lý để phục vụ cho các mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước. Không ngừng tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Quan tâm phát huy quyền làm chủ của người dân trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị… theo đúng Hiến pháp, pháp luật, qua đó tạo đồng thuận xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy những kết quả đã làm được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tăng cường sự phối hợp, nâng cao năng lực, đề cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chung về phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.