Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bất chấp luật pháp, coi thường tính mạng

Triệu Dương| 28/10/2012 05:55

(HNM) - "Chúng tôi rất căng thẳng khi đi trên tuyến đường mới mở này, luôn phải đề phòng xe đi trước đột nhiên phanh gấp, rồi xe tạt ngang đón trả khách tùy tiện hoặc bỗng nhiên có chiếc xe ôm vi phạm luật, lao như điên vào đường cấm, đi ngược chiều…" - Đó là bức xúc mà nhiều lái xe bày tỏ khi chúng tôi hỏi về sự an toàn khi lưu thông trên đường Vành đai 3 trên cao.

Tuy mới thông xe được ít ngày, nhưng tại đây đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng mà lỗi chủ yếu là do người tham gia giao thông bất chấp luật pháp, coi thường tính mạng.

Một trường hợp vi phạm tại đường Vành đai 3 trên cao. Ảnh: Dương Hiệp


Đường vừa thông xe đã… tông nhau

Vụ tai nạn gần nhất xảy ra 4h sáng 27-10, hai chiếc container nối đuôi nhau, do không làm chủ được tốc độ nên chiếc đi sau đã tông mạnh vào đuôi chiếc đi trước, hậu quả là toàn bộ cabin chiếc xe sau bẹp dúm, cả đoạn đường tắc nghẽn trong nhiều giờ. Trước đó, 9h sáng 24-10, do không giữ đúng khoảng cách và tốc độ cho phép, không tập trung khi điều khiển phương tiện, 8 chiếc ô tô đã "dồn toa" dính chặt vào nhau. Sáu xe nằm bẹp tại chỗ chờ cứu hộ kéo đi, 2 chiếc khác chấp nhận "đau thương" vội vã rời khỏi hiện trường vì sợ các cơ quan chức năng đến "sờ gáy". Tất cả các xe đều bị hư hỏng nặng, may mắn vụ tai nạn không gây thương vong về người, trong đám xe bị nạn có một chiếc xe cứu thương nhưng không có bệnh nhân.

Có lẽ vì đường mới mở đẹp, rộng, lái xe thường phóng với tốc độ cao, nên chỉ sau hơn 10 giờ chính thức thông xe đường Vành đai 3 trên cao, vào khoảng 23h ngày 21-10, tại khu vực gần nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi đã có một vụ tai nạn "mở hàng" đầu tiên. Vào thời điểm đó, một xe Toyota 4 chỗ đang lưu thông với tốc độ cao từ hướng Mai Dịch về Linh Đàm bất ngờ va chạm với xe máy BKS 29F9-2684 lưu thông theo chiều ngược lại, khiến chiếc xe máy gần như vỡ vụn. Người lái xe máy bị bắn lên cao và rơi xuống khoảng trống giữa hai dải phân cách không được che chắn và rơi xuống chân cầu, tử vong tại chỗ. Còn xe ô tô, sau khi phanh gấp đã trượt dài hơn 10m, bánh trước phía bên lái đã bị nổ lốp, phần đầu chiếc xe gần như biến dạng. Nguyên nhân tai nạn là do xe máy dù không được phép lưu thông vẫn cố tình đi trên đường cao tốc.

Tai nạn tiềm ẩn từ rất nhiều vi phạm

Dù đã có quy định cấm các loại xe máy đi trên đường Vành đai 3 trên cao, nhưng những ngày qua đã xuất hiện những bến xe ôm, bến xe taxi di động nằm ngay trên đường, tùy tiện đón trả khách, gây nhức nhối trong dư luận. Rất nhiều độc giả đã phản ánh về Đường dây nóng Báo Hànộimới việc những bến xe di động trên không chỉ vi phạm luật giao thông mà thường xuyên có lái xe taxi tìm cách cưỡng bức khách đi xe và bắt chẹt với giá cao. Trong chiều 27-10, khi nhóm PV Hànộimới tiến hành khảo sát khu vực trên nhiều bến xe ôm vẫn đang hoạt động như ngang nhiên thách thức luật pháp. Không chỉ ở khu vực trên mà trên toàn tuyến, nhất là khu vực đường lên xuống mới bị bịt lại giáp với sông Tô Lịch và Linh Đàm từng tồn tại một bến xe ôm như thế. Có nhiều người dân đi xe máy qua chưa biết việc ngã tư này bị bịt lo sợ lực lượng chức năng chốt chặn phía trước đã thuê xe ôm bê xe máy qua giải phân cách để lưu thông theo đường Khuất Duy Tiến phía dưới. Còn ngay ở đường dẫn lên đường Vành đai 3 thuộc khu vực Pháp Vân nhiều người đi đường đã bị "chặt chém" với mức giá 50.000 đồng cho một lần bê xe máy qua dải phân cách để tránh chốt chặn của CSGT.

Chỉ cần một chiếc xe khách dừng trả khách ở đường Vành đai 3 trên cao là ngay lập tức có xe ôm lao đến "tiếp thị". Khi thấy xe của CSGT và TTGT đi qua, các bến xe ôm náo loạn như "ong vỡ tổ", mạnh ai nấy chạy. Trước thực trạng này, anh Quách Hùng Sơn, TTGT Đội cầu và đường bộ, Sở GTVT vô cùng bức xúc cho biết: "Chốt chặn của đội chúng tôi nằm ở phía đường từ Mai Dịch đi cầu Thanh Trì nên có vẻ như các lái xe khách đi theo chiều ngược lại coi thường. Mặc dù thấy xe chuyên dụng của TTGT có mặt phía làn đường bên này nhưng rất nhiều xe khách vẫn ngang nhiên dừng đỗ đón trả khách tùy tiện phía làn đường bên kia". Thực tế trong tối 26-7 khi trực cùng tổ công tác, nhóm phóng viên đã ghi nhận rất nhiều trường hợp xe khách ngang nhiên dừng đón trả khách ở phía làn đường bên kia.

Đáng chú ý là tại nhiều khu vực trên đường Vành đai 3 trên cao đã xuất hiện nhiều quảng cáo, rao vặt in ngay trên thành cầu, chủ yếu là dịch vụ vá săm lốp lưu động. Cơ quan chức năng đã điều tra, chỉ cần gọi theo số điện thoại ghi lại trên thành cầu là có ngay xe tải 5 tấn có mặt dừng đỗ ngay trên cầu làm cái việc vá chín săm lốp. Trước mắt, TTGT Đội cầu và đường bộ vẫn hằng ngày phải đi xóa những quảng cáo, rao vặt trên thành cầu. Nhưng cứ qua một đêm khi lực lượng chức năng không thể quán xuyến hết tuyến đường, ở những chỗ vừa xóa quảng cáo, rao vặt sơn xóa còn chưa khô thì những số điện thoại này lại từ đâu mọc ra nhan nhản.

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Ngay sau khi xảy ra tai nạn chết người, Phòng CSGT đã chỉ đạo Đội Cảnh sát giao thông số 4, số 6 tăng cường bố trí lực lượng kiểm soát, dùng loa nhắc nhở, xử lý vi phạm hằng ngày từ 6h sáng đến 24h. Thượng tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt - CATP nhận định: "Sau khi tuyến đường trên cao tại Vành đai 3 được thông xe và đưa vào sử dụng, các vi phạm chủ yếu là xe mô tô đi vào đường cấm, xe khách dừng đón trả khách trên đường, người đi bộ đi lên cầu. Chính những vi phạm này đã dẫn đến 2 vụ tai nạn giao thông làm 1 người chết, 1 người bị thương". Trước thực trạng trên, Trung tá Nguyễn Ngọc Mẽ, Đội trưởng Đội CSGT số 6 đã đề xuất, lực lượng chức năng cần sớm lắp đặt thiết bị camera để giám sát, xử phạt các xe ô tô dừng, đón trả khách và xe máy đi lên cầu. Trung tá Nguyễn Ngọc Mẽ nhấn mạnh, trong phạm vi quản lý của Đội CSGT số 6 có 4 đường lên xuống cầu cạn, ở những nơi này nếu có camera giám sát cơ quan chức năng hoàn toàn có thể tiến hành phạt nguội.

Để bảo đảm an toàn giao thông và kịp thời ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông trên tuyến đường Vành đai 3, mới đây UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Văn bản số 8426/UBND-QHXDGT (ngày 23-10-2012) truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo, kiêm Trưởng ban An toàn giao thông thành phố, yêu cầu các đơn vị liên quan bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến đường Vành đai 3 trên cao. Quy định này có hiệu lực từ ngày 28-10.

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Đội CSGT số 4 và Đội CSGT số 6 đã tăng cường lực lượng, sử dụng xe ô tô tuần tra dùng loa nhắc nhở, xử lý vi phạm, hằng ngày các đơn vị duy trì, bố trí 16 cán bộ, chiến sĩ tại 8 điểm nhập, tách dòng của 2 chiều đường để hướng dẫn, phân luồng giao thông. Tính từ ngày 22-10 đến hết ngày 27-10 các trường hợp bị xử lý ở đường trên cao chủ yếu là mô tô (xe máy, xe ba bánh) đi vào đường cấm, trong đó có 5 xe ôm đi lên cầu bắt khách đã bị xử lý, 127 trường hợp mô tô đi ngược chiều bị xử lý, 18 phương tiện dừng đỗ sai quy định. Cơ quan chức năng đã xử lý tổng số 184 trường hợp, giữ 41 xe mô tô và 135 bộ giấy tờ, tước 107 giấy phép lái xe… Hy vọng, với các biện pháp đồng bộ, trật tự an toàn giao thông trên đường Vành đai 3 trên cao sẽ sớm được bảo đảm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất chấp luật pháp, coi thường tính mạng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.