(HNM) - 4 ki ốt lụp xụp nằm ngay vị trí nút giao Nguyễn Lương Bằng - Hồ Đắc Di không chỉ tạo hình ảnh nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị mà còn là vật cản khiến dòng phương tiện qua lại đây với mật độ cao luôn bị ùn tắc.
Những bức tường thấp lè tè, ẩm thấp, xiêu vẹo với những mảng vôi vữa tróc lở đủ cho người qua lại phỏng đoán dãy ki ốt này có "niên đại" từ những năm 90 của thế kỷ trước. Nó cũng trùng khớp với một số giấy tờ trao đổi, mua bán được thực hiện từ năm 1990. Gọi là dãy ki ốt nhưng diện tích khá khiêm tốn, chưa được 30m2, chia thành 4 gian nhỏ, mỗi gian chỉ 6-7m2. Trên diện tích chật hẹp đó, người kinh doanh cũng chỉ đủ bày bán một số loại nhu yếu phẩm như thịt lợn, chả cá, thủy hải sản... Nhưng việc bày bán hàng hóa phía trước ki ốt cũng là ngay dưới mặt đường lại gây cản trở giao thông, chưa kể các loại nước thải từ việc kinh doanh buôn bán luôn chảy trực tiếp ra lòng đường. Không chỉ có vậy, lợi dụng sự tồn tại của dãy ki ốt, một số người bán hàng rong tập kết hàng hóa đứng nối tiếp phía sau tạo thành một điểm chợ cóc nhếch nhác và bừa bãi. Nhất là vào giờ cao điểm, khi nhiều người chọn phố Hồ Đắc Di là con đường tắt để tránh tắc đường tại các tuyến lân cận, đổ dồn về đây khiến giao thông hỗn loạn và ùn tắc trong nhiều giờ liền.
Cả nút giao thông bị 4 ki ốt "chen" vào giữa (ảnh chụp không vào giờ cao điểm). |
Sự tồn tại của dãy ki ốt đã gây nhiều bức xúc cho cả người dân khu vực, người tham gia giao thông lẫn chính quyền địa phương, đặc biệt khi mà nút giao thông này được cải tạo mở rộng vào cuối năm 2012, đầu năm 2013.
Kết quả đo vẽ thực địa xác định, trong tổng diện tích dãy ki ốt có 7,5m2 tại vị trí ki ốt số 3 và số 4 thuộc phạm vi đất nghiên cứu của dự án bãi đỗ xe, trồng cây xanh, đường nội bộ cho tòa nhà 187 Tây Sơn. Còn lại diện tích 19,1m2 của ki ốt số 1 và 2 bắt vào phần hè đường tại nút giao thông Nguyễn Lương Bằng - Hồ Đắc Di. Vì vậy, nếu dãy ki ốt này càng sớm bị giải tỏa, giao thông nơi đây càng sớm được thông thoáng.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND phường Quang Trung cho biết: UBND quận đã có văn bản báo cáo thành phố hướng giải quyết. Tuy nhiên, các chủ đang sử dụng những ki ốt này là: Công ty cổ phần Xây dựng lắp máy điện nước Hà Nội (1 ki ốt), Công ty cổ phần Vicem vật tư vận tải xi măng (2 ki ốt), nhưng cả hai đơn vị này đều chưa xuất trình được giấy tờ liên quan đến nguồn gốc sử dụng đất (và hiện cũng không sử dụng ki ốt phục vụ ngành nghề mình đang hoạt động); riêng chỉ có ki ốt của một cá nhân là bà Trần Thị Quỳnh Hoa có giấy mua bán với chủ cũ kèm 1 phiếu thu tiền nộp cho quận.
Giải tỏa ngay 4 ki ốt này, tiến tới xây dựng hoàn chỉnh đồng bộ hạ tầng kỹ thuật nút giao thông Nguyễn Lương Bằng - Hồ Đắc Di đã là việc cấp bách và cần thiết. Đề nghị chính quyền địa phương và các ban, ngành liên quan của thành phố sớm triển khai, để tạo cảnh quan môi trường khắc phục vấn nạn ùn tắc giao thông tại khu vực này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.