Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bất cập trong xử lý sản phẩm nhái mác “Made in Việt Nam”

Thanh Hiền| 19/06/2013 06:15

(HNM) - Lợi dụng chính sách khuyến khích người Việt dùng hàng Việt và xu hướng người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng hàng trong nước, trên thị trường đã xuất hiện nhiều mặt hàng gắn mác



Đấu tranh với hàng giả, hàng kém chất lượng không chỉ là công việc của riêng lực lượng quản lý thị trường (QLTT), công an, hải quan hay biên phòng, mà các doanh nghiệp (DN) và NTD cũng cần góp phần phát hiện hành vi vi phạm và nói "không" với hàng giả.

Khách hàng lựa chọn sản phẩm may mặc, hàng Việt Nam chất lượng cao. Ảnh: Mai Vy


Theo số liệu của các ngành chức năng, 80% hàng giả trên thị trường Việt Nam là hàng nhập lậu có xuất xứ từ Trung Quốc, nhằm cạnh tranh với các sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng, như Shiseido, Gucci, Nike, Adidas… Tình trạng khó kiểm soát hàng giả tràn vào thị trường nội địa qua cả đường chính ngạch và tiểu ngạch với số lượng lớn và chủng loại phức tạp đang là vấn đề nhức nhối, gây thiệt hại lớn đối với nền kinh tế, DN và NTD. Theo Chi cục QLTT Hà Nội, nhiều vụ buôn lậu hàng giả, hàng kém chất lượng chỉ được phát hiện khi đã vào sâu trong thị trường nội địa. Điều này cho thấy vẫn còn những sơ hở trong công tác quản lý ở biên giới, cửa khẩu. Đặc biệt, tình trạng kinh doanh hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt phổ biến nhất là các mặt hàng thời trang, đồ gia dụng, hàng điện máy, thực phẩm... có chất lượng thấp, làm giả các thương hiệu uy tín trong nước, diễn ra nghiêm trọng tại các tỉnh, thành phố. Các đầu nậu thường đặt sản xuất trực tiếp tại Trung Quốc, gắn mác "made in Vietnam" rồi đưa về Việt Nam tiêu thụ, khiến lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc xác định nguồn gốc thực của hàng hóa. Ngoài tiêu thụ tại các chợ truyền thống, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa… các mặt hàng này còn được phân phối, tiêu thụ với số lượng lớn tại các hội chợ thương mại. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh hàng "xách tay" cũng đang có nhiều diễn biến phức tạp và tinh vi hơn.

Một trong những nguyên nhân khiến các hành vi vi phạm về hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hàng kém chất lượng… có đất phát triển là do đường biên giới trên bộ ở nước ta rất dài, nhưng lực lượng kiểm tra, kiểm soát lại "mỏng", thiếu thốn về thiết bị chuyên dụng, phương tiện kiểm tra, cơ sở vật chất. Ngoài ra, do thiếu việc làm ổn định ở một số tỉnh biên giới, nên thu nhập của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào việc làm thuê cho các đối tượng buôn lậu hoặc trực tiếp buôn bán hàng nhập lậu. Bên cạnh đó, nhiều rào cản thương mại dần được dỡ bỏ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới nhằm giảm bớt khó khăn cho đồng bào vùng biên đã bị các đối tượng buôn lậu lợi dụng, thu gom hàng hóa vận chuyển vào nội địa tiêu thụ. Ngoài ra, nhiều đối tượng lợi dụng việc thắt chặt chi tiêu của người dân, chuyển sang dùng hàng rẻ tiền hơn để đưa các loại hàng giả, hàng nhái ra thị trường hòng kiếm lợi bất chính…

Đấu tranh với hàng giả, hàng kém chất lượng không chỉ là công việc của riêng lực lượng QLTT, công an, hải quan hay biên phòng, mà doanh nghiệp và NTD cũng cần đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm và nói "không" với hàng giả. Chế tài xử phạt bất cập cũng là nguyên nhân khiến hàng giả, hàng nhái vẫn tồn tại trên thị trường. Vì vậy, để xử lý hàng giả, hàng nhái, cần sớm có chế tài đủ mạnh, không nên chỉ phạt hành chính, rút giấy phép kinh doanh, mà phải truy tố hình sự, nhất là đối với những mặt hàng là lương thực, thực phẩm. Đồng thời, các cấp có thẩm quyền cần rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách để các đối tượng không lợi dụng kẽ hở pháp luật để buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả. Thêm vào đó, cần phát huy vai trò và trách nhiệm của chính quyền các địa phương trong cuộc chiến chống hàng giả. Về lâu dài, Nhà nước cần nghiên cứu, xây dựng chính sách đặc thù đối với khu vực biên giới để người dân có việc làm ổn định, giúp họ nâng cao chất lượng đời sống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bất cập trong xử lý sản phẩm nhái mác “Made in Việt Nam”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.