(HNM) - Theo Thanh tra Chính phủ, những tháng đầu năm 2015, có 995.383/999.416 người đã thực hiện quy định kê khai tài sản.
Hầu hết bản kê khai đều được công khai trong cuộc họp hoặc niêm yết tại đơn vị. Nhưng, trong số 1.225 người thuộc diện phải xác minh, cơ quan chức năng chỉ phát hiện, kết luận 4 người kê khai không trung thực. Năm 1998, quy định về công khai tài sản, thu nhập được đề cập trong Pháp lệnh Phòng chống tham nhũng. Đến năm 2005, văn bản này đã được nâng lên thành luật và tiếp tục được sửa đổi, bổ sung vào năm 2007, 2012 và sau đó là một loạt nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện đã được ban hành. Tiếc là cho đến nay, các giải pháp đưa ra chưa có tính đột phá, chưa có vụ án nào được phát hiện từ việc kê khai gian dối.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng kê khai tài sản chưa phát huy hiệu quả phòng, chống tham nhũng, là do kê khai xong nhưng không kiểm soát được. Đã có trường hợp cán bộ có khối tài sản rất lớn nhưng chỉ đến khi họ về nghỉ hưu hoặc có đơn thư khiếu nại tố cáo thì khối tài sản đấy mới được công khai. Điều này đã được phản ánh nhiều lần trong các cuộc tiếp xúc cử tri. Không ít ý kiến cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là phải nắm được sự biến động về tài sản của cán bộ, công chức, nhưng đây là việc khó, Thanh tra Chính phủ chưa làm được, cũng chưa chủ động công bố công khai danh tính những cá nhân không trung thực trên các phương tiện truyền thông như một lời cảnh báo. Về phía các địa phương chưa có giải pháp xử lý mạnh mẽ những cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân chậm tổ chức kê khai, không công khai kê khai, không trung thực, không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm.
Để tránh lặp lại câu chuyện cũ, vấn đề căn bản là phải xem lại đối tượng kê khai tài sản. Có thể đưa ra một số chỉ tiêu, tiêu chí xác minh lần lượt theo từng đợt, không làm đại trà thì sẽ hiệu quả hơn. Trường hợp cán bộ, công chức cố tình tuồn tài sản cho vợ, con, bạn bè..., cơ quan chức năng lại chỉ "túm" được người đó thôi cũng có nghĩa chỉ "túm" được một phần. Do đó, phải xây dựng chế tài quản trị được nền kinh tế thông qua giao dịch ngân hàng, vấn đề sử dụng tiền mặt, chính sách thuế...
Như ở các nước, không phải chỉ mình cán bộ, công chức mà người dân cũng chịu sự kiểm soát tài sản. Một điểm nữa, hiện nay, quy trình tiếp nhận, quản lý, tiến hành thẩm tra xác minh vô cùng phức tạp. Chừng nào chưa có một đầu mối chuyên tiếp nhận, xử lý thông tin thì cũng khó chủ động trong việc khai báo, tiếp nhận, xử lý cũng như tiến hành xác minh tài sản, thu nhập cán bộ, công chức.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.