Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bất cập đầu tư công

Kinh Lúp| 10/12/2014 06:32

(HNM) - Hiệu quả của đầu tư công đối với phát triển kinh tế - xã hội là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, những công trình đầu tư từ ngân sách nhà nước bỏ hoang, lãng phí đã đang tồn tại ở các địa phương tiếp tục gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, sở dĩ có tình trạng trên là do bất cập từ việc phân cấp. Được biết, trong giai đoạn 2001-2010, tổng mức đầu tư toàn xã hội so với GDP tăng từ 35,4% năm 2001 lên khoảng 41% năm 2010. Trong cơ cấu đầu tư toàn xã hội, đầu tư từ nguồn vốn nhà nước bình quân giai đoạn này chiếm 46,3%. Hoạt động đầu tư công đã được siết chặt từ năm 2011 khi Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và tập đoàn, tổng công ty nhà nước rà soát, hoãn, giãn các dự án chưa cấp bách hoặc kém hiệu quả...

Từ năm 2006 đến nay, phần lớn dự án đầu tư công đều được phân cấp cho ngành và địa phương - hệ quả là việc quyết định đầu tư công đã tách rời việc bố trí vốn. Không những thế, việc quản lý, điều chỉnh vĩ mô đã bị buông lỏng. Các dự án do các địa phương quyết định quá nhiều, trong khi nguồn vốn đầu tư từ ngân sách lại hạn hẹp và dàn trải. Không ít dự án bị thiếu vốn, thực hiện cầm chừng, chậm đưa vào sử dụng, do vậy hiệu quả ngày càng giảm. Ngoài ra, ở các ngành, các địa phương còn tình trạng bình quân trong phân bổ vốn ngân sách, làm hạn chế khả năng tập trung vốn đầu tư vào những vùng có lợi thế kinh tế cao, khả năng sinh lời lớn, từ đó hạn chế hiệu quả của đầu tư công…

Nhằm hạn chế những tồn tại và nâng cao hiệu quả đầu tư công, Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 (sẽ có hiệu lực từ 1-1-2015) trong đó đã quy định về hoạt động đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư sử dụng vốn nhà nước vào chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội không có khả năng hoàn vốn trực tiếp; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân liên quan đến đầu tư công và trách nhiệm quản lý nhà nước về đầu tư công…

Tuy nhiên, để đầu tư công hiệu quả và không tràn lan, chồng chéo ở các địa phương, vấn đề trước tiên phải thực hiện quy hoạch vùng phát triển, từ đó mới tính tới quy hoạch phát triển các tỉnh, chứ không làm ngược như hiện nay. Đặc biệt, việc tăng cường phân cấp quản lý nhà nước về đầu tư công từ cơ quan TƯ cho cơ quan địa phương cần phải gắn liền với việc phải thiết lập một cơ quan TƯ đủ mạnh, có khả năng giám sát việc thực hiện của chính quyền cấp dưới.

Bên cạnh đó, phải có hệ thống pháp luật về cấp đầu tư công hoàn chỉnh, cùng với cơ chế phát huy cao độ tính dân chủ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, cộng đồng, các tổ chức xã hội tham gia hoạt động quản lý nhà nước về cấp đầu tư công. Có như vậy mới hạn chế được bất cập trong đầu tư công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất cập đầu tư công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.