(HNMO)- Ngày 11-4, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo giáo dục đạo đức lối sống cho HS-SV. Hội thảo đã nêu lên nguyên nhân, thực trạng, từ đó đề ra những giải pháp phù hợp.
Hội thảo đã nêu lên nguyên nhân, thực trạng, từ đó đề ra những giải pháp phù hợp, đồng thời cũng nêu lên những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS-SV.
Báo động tình trạng xuống cấp đạo đức trong HS-SV |
Giáo dục đạo đức, lối sống đang được cả xã hội hết sức quan tâm và lo lắng. Trong số hơn 22 triệu HS-SV cả nước, đại đa số các em có đạo đức tốt. Số em có đạo đức lối sống không tốt tuy chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng lại gây nhiều băn khoăn, lo lắng cho xã hội bởi những hậu quả do sự xuống cấp về đạo đức lối sống.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đào tạo dạy nghề, Ban Tuyên giáo TƯ bày tỏ, giáo dục đạo đức, lối sống cho HS-SV đã trở thành nỗi trăn trở của tất cả các cán bộ, ban ngành, của toàn xã hội nói chung và những bậc làm cha, làm mẹ nói riêng.
Trong những năm gần đây, vấn đề vi phạm các chuẩn mực đạo đức trong một bộ phận HS-SV đã đến mức báo động với những hành vi như trốn học, gian lận thi cử, đánh nhau, uống rượu bia, trộm cắp vặt, xin đểu, vô lễ, đe dọa hành hung thầy cô giáo. Nhiều HS-SV còn có biểu hiện sống hưởng thụ, coi nặng giá trị vật chất, tiêu xài hoang phí, lười lao động, sống ích kỷ, không hiếu thảo với ông bà cha mẹ, thiếu tính nhân đạo.
Tình trạng đánh nhau trong học sinh ngày càng nhiều, không chỉ nam sinh mà còn có nữ sinh, có khi còn dùng cả hung khí hành xử với nhau vô cùng dã man. Một số em sinh viên có lối sống buông thả, lười học tập và không tu dưỡng đạo đức, thích hưởng thụ, sinh hoạt thiếu lành mạnh, nghiện ngập, thậm chí vi phạm pháp luật…Tất cả những biểu hiện đó làm ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ tình bạn, tình yêu trong HS-SV và các mối quan hệ khác. Lo ngại nhất là một bộ phận suy thoái về đạo đức, mờ nhạt về lý tưởng, theo lối sống thực dụng, thiếu hoài bão lập thân, lập nghiệp, thực sự phấn đấu vì tương lai của bản thân, gia đình và đất nước.
Hội thảo tập trung phân tích những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên. Đó là sự thiếu quan tâm của gia đình và sự thiếu quan tâm của giáo dục, là sự giáo dục đạo đức, lối sống trong nhà trường còn kém hiệu quả, xã hội chưa chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống.
TS Chu Văn Yêm, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước đề xuất 4 giải pháp giáo dục đạo đức lối sống cho HS trong trường phổ thông như cần thống nhất nhận thức coi môn Đạo đức/Giáo dục công dân là môn học đặc thù, quan trọng bởi tính chất quan trọng của môn học trong giáo dục, đào tạo phẩm chất công dân; nghiên cứu đổi mới nội dung và hình thức SGK, phương pháp giảng dạy môn Giáo dục công dân cho phù hợp với thực tiễn và tâm lý từng lứa tuổi; BGH các trường phổ thông cần quan tâm xây dựng môi trường sư phạm an toàn, lành mạnh, văn minh; xây dựng đội ngũ giáo viên mẫu mực, tạo điều kiện thuân lợi cho các tổ chức đoàn hoạt động hiệu quả; các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần tích cực vào cuộc cùng ngành giáo dục để quản lý, giáo dục HS.
Bên cạnh đó, các họa động phong trào của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng góp phần giáo dục đạo đức cho HS-SV. Hiện nay, một bộ phận HS-SV có chiều hướng lười và thiếu trung thực trong học tập, một số còn có biểu hiện vi phạm pháp luật, nghiện ngập cờ bạc, nghiện “net”, sống tự do buông thả. Từ việc sử dụng Internet là công cụ học tập, giải trí dẫn đến nghiện chơi game online, chat, truy cập web đen, blog khiêu dâm, bạo lực… Mức độ phạm tội nghiêm trọng trong HSSV có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Khi xã hội phát triển, hội nhập thì vấn đề thông tin khó ngăn chặn, gần đây xuất hiện xu hướng văn hóa ngoại lai, tiếp nhận không chọn lọc các hình thức văn hóa nước ngoài phản cảm và không phù hợp với thuần phong mỹ tục.
Từ đó thấy được các hoạt động của Đoàn Thanh niên góp phần giáo dục đạo đức lối sống cho HS-SV, giáo dục thông qua cuộc vận động “Tuổi trẻ học tập và làm theo lời Bác”, biểu dương tôn vinh “Học sinh, sinh viên làm theo lời Bác”; Giáo dục thông qua chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; Giáo dục thông qua các phong trào của đoàn Thanh niên, hội sinh viên; thông qua các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; và gắn liền với những vấn đề cụ thể mà xã hội, HSSV quan tâm, tạo môi trường sinh viên rèn luyện.
Ông Doãn Hồng Hà, Phó trưởng ban Thanh niên trường học, TƯ Đoàn TNCS HCM cũng đã có những đóng góp kiến nghị và đề xuất tích cực trong bài phát biểu nhằm giải quyết vấn đề suy thoái đạo đức, lối sống ở một bộ phận HSSV.
Tham gia phát biểu còn có đại diện của các HS Thủ đô, em Nguyễn Thị Thu Thảo, HS trường THPT Cầu Giấy, Hà Nội và đại diện của SV, em Vũ Ngọc Thiện, ĐH Giao thông Vận tải. Các đại biểu cũng đã tổ chức thảo luận về thực trạng và giải pháp của công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV trong nhà trường.
Bộ GD-ĐT hy vọng với sự tham dự, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự tham gia của các đồng chí đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành và cơ quan TƯ; nhiều nhà khoa học; 63 Sở GD&ĐT, gần 100 cơ sở giáo dục, đào tạo trong cả nước, Hội thảo toàn quốc về công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV sẽ đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu đề ra, góp phần quan trọng trong xây dựng, hoàn thiện và triển khai hiệu quả Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV” được Thủ tướng Chính phủ giao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.