(HNM) - Những yếu kém nội tại của nền kinh tế như: Tình trạng lạm phát cao, bội chi ngân sách và nợ công tăng nhanh, hiệu quả đầu tư công giảm sút… đang đòi hỏi phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tiến trình tái cơ cấu (TCC) tổng thể nền kinh tế.
Tại hội thảo "Tổ chức kiểm toán quá trình thực hiện TCC nền kinh tế" do Kiểm toán Nhà nước phối hợp với Hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) tổ chức ngày 3-12 tại Hà Nội, các chuyên gia đã thẳng thắn chỉ rõ những "góc khuất" trong quá trình thực hiện đề án đồ sộ này; đồng thời, đề xuất phương án nhằm kiểm toán, đánh giá chính xác tính hiệu lực, hiệu quả của đề án đối với nền kinh tế trong những năm tiếp theo.
Đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu hệ thống tín dụng là việc làm hết sức cần thiết. Ảnh: Duy Khánh |
Xuất phát từ mục tiêu cải cách toàn diện nền kinh tế, tìm ra hướng phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo, Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã nhấn mạnh, việc TCC nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng sẽ tập trung vào ba lĩnh vực: TCC đầu tư công, TCC khu vực tài chính tiền tệ trong đó tập trung vào các ngân hàng thương mại (NHTM) và TCC doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Theo nhận xét của Tổng KTNN Nguyễn Hữu Vạn, tiến độ TCC tại ba lĩnh vực trọng tâm này còn rất chậm, chưa có những thay đổi đột phá trong giải pháp thực hiện nhằm tạo lập môi trường vĩ mô năng động, thúc đẩy phân bổ và sử dụng nguồn lực hợp lý, hiệu quả.
Về quá trình thực hiện TCC đầu tư công (ĐTC), PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, nguồn tài trợ cho ĐTC chủ yếu từ ngân sách nhà nước (NSNN) và liên tục chiếm tỷ trọng trên 40%. Toàn bộ thâm hụt NSNN thời gian qua đều dành cho ĐTC và được tài trợ bằng các khoản vay nợ trong và ngoài nước. Thế nhưng, số liệu về an toàn nợ công thời gian qua lại rất mù mờ. Cơ cấu chi tiêu công cho các lĩnh vực vẫn trong tình trạng bao cấp đầu tư, làm nảy sinh cơ chế "xin - cho" và bệnh "khát vốn đầu tư, thèm dự án", vốn là nguồn gốc của tình trạng dàn trải, manh mún và thiếu hụt vốn ĐTC trong thời gian qua. Trên thực tế 70% vốn ngân sách được cấp cho địa phương và tiếp tục chia đều cho hàng trăm huyện, hàng nghìn xã với nguyên tắc… cào bằng. Không ít địa phương đã "hy sinh" vốn đầu tư tại các dự án xã hội để tập trung vốn cho những dự án kinh tế tốn kém nhưng hiệu quả thấp. Hệ quả là, nhiều công trình hoàn thành kém hiệu quả, còn nợ nần thì người dân gánh chịu.
Đánh giá về tiến trình TCC DNNN, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan coi đây là một "chặng đường gian nan". Bên cạnh tình trạng lâu nay các DNNN luôn được "nuông chiều", hưởng nhiều ưu đãi lớn từ ngân sách nên không muốn từ bỏ đặc quyền, thì bối cảnh thị trường hiện nay đang khiến công cuộc TCC gặp nhiều khó khăn do khan hiếm nguồn vốn. Đặc biệt, việc để các DNNN lớn tự xây dựng đề án TCC rồi trình Chính phủ phê duyệt sẽ dẫn đến tình trạng khó có được những đề án với định hướng cải cách mạnh mẽ, triệt để, bởi các DNNN sẽ không dại gì "tự lấy đá ghè chân".
Nhận xét về tiến trình TCC các NHTM, TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh cho rằng, bên cạnh những tín hiệu khả quan về việc TCC nợ xấu của hệ thống ngân hàng, cần lưu ý đến tính kỷ luật và chuẩn mực giám sát ngân hàng hiện chưa được áp dụng đầy đủ. Tại nhiều NHTM đã tồn tại tình trạng "sở hữu chéo" kiểu gia đình, từ đó nắm quyền chi phối, lũng đoạn thị trường tài chính. Để hạn chế thực trạng này, cần khoanh vùng điều tra toàn diện về cơ cấu sở hữu tại NHTM và có lộ trình xử lý dứt điểm. Bởi vấn đề sở hữu chéo ở nước ngoài bị xử phạt rất nặng, còn ở nước ta chưa có chế tài xử lý vấn đề này.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để thúc đẩy quá trình TCC nền kinh tế theo đúng mục tiêu; đồng thời giám sát chặt chẽ quá trình này nhằm bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách cần có những cải cách mang tính đột phá. Tại mũi nhọn TCC DNNN, bên cạnh việc buộc DN phải cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế, áp dụng nguyên tắc quản trị hiện đại, cần tạo cơ hội để DN vươn lên khẳng định vai trò mà lẽ ra họ phải thực hiện trong giai đoạn phát triển hiện nay của đất nước. Với tiến trình TCC các NHTM cần tăng cường thanh tra, giám sát kỷ cương, kỷ luật và sự minh bạch của hệ thống ngân hàng; nên tập trung vào kỷ luật trong kế toán, báo cáo tài chính và sự tuân thủ các chỉ tiêu an toàn hệ thống. Đối với lĩnh vực TCC ĐTC, bản chất là việc cơ cấu lại NSNN, tiến trình này phải dịch chuyển nhằm bảo đảm an toàn nợ công, góp phần giảm thâm hụt cũng như tăng cường kỷ luật chi NSNN…
Để thực hiện thành công Đề án TCC nền kinh tế, vai trò nhiệm vụ của KTNN rất quan trọng. Theo ông Đoàn Xuân Tiên, Phó tổng KTNN, khi thực hiện kiểm toán Đề án, KTNN sẽ đánh giá việc xây dựng kế hoạch TCC của từng đơn vị. Sẽ đánh giá tính hiệu quả của từng đề án xem có bám sát yêu cầu đặt ra của Chính phủ hay không và cuối cùng là đánh giá tính hiệu quả của từng đề án trong mỗi bộ, ngành, đơn vị. KTNN sẽ xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn trong giai đoạn 2014-2017.
Trong năm 2014 và những năm tiếp theo, KTNN sẽ tập trung kiểm toán các dự án, công trình đầu tư xây dựng, công tác mua bán, sửa chữa tài sản công… trong đó chú trọng đánh giá tính hiệu quả, hiệu lực và chất lượng dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ. Đặc biệt, KTNN sẽ kiểm toán việc TCC các đơn vị gắn với quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng. Đối tượng được tập trung kiểm toán sẽ là các tập đoàn, tổng công ty, NHTM nhà nước… nhằm có những kiến nghị cụ thể với Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc chỉ đạo thực hiện TCC nền kinh tế trong thời gian tới. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.