Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Bắt bệnh” cho nền kinh tế

Hương Ly| 31/10/2012 08:29

(HNM) - Phiên thảo luận tại hội trường ngày 30-10 về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2012, kế hoạch năm 2013 đã


Tham nhũng, lãng phí, độc quyền - bệnh chưa khỏi

Trong phiên thảo luận tại hội trường, các ĐBQH đã đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trong bối cảnh kinh tế thế giới đang trong giai đoạn suy giảm. Tuy nhiên, các ĐBQH cũng chỉ rõ những "căn bệnh" trầm kha, gây ra những tác hại to lớn, cản trở kinh tế nước ta phát triển.


Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Lê Như Tiến phát biểu ý kiến. Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN

ĐB Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị) đã làm "nóng" hội trường bởi bài phát biểu thẳng thắn về tệ tham nhũng, lãng phí. ĐB Lê Như Tiến lấy dẫn chứng cụ thể về việc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Vinashin làm thất thoát khoảng 107.000 tỷ đồng. Việc lãng phí nguồn lực quốc gia cũng được ĐB Lê Như Tiến nêu, ngoài 250.862ha đất sản xuất thu hồi của dân bị để hoang hóa từ nhiều năm, chúng ta còn để lãng phí, thất thoát cả trên trời. Đơn cử vệ tinh Vinasat-2 đã được phóng lên quỹ đạo vào tháng 5-2012 với tổng vốn đầu tư 250 triệu đô la, tương đương hơn 5 nghìn tỷ đồng, trong đó 80% là vốn vay thương mại nước ngoài. Nhưng đến nay Vinasat-2 chưa lấp đầy 1/4 dung lượng băng tần mà vẫn có nhiều đơn vị viễn thông khẩn thiết đề nghị Chính phủ cho phép tiếp tục đầu tư hạ tầng cáp trên mặt đất, gây lãng phí hàng nghìn tỷ đồng...

ĐB Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) lại nêu những bức xúc của cử tri liên quan đến việc quản lý điều hành giá xăng dầu. Theo ĐB, xăng dầu vốn là mặt hàng chiến lược, thiết yếu nhưng từ nhiều năm nay, Chính phủ vẫn kiên trì điều chỉnh bằng văn bản dưới luật. Trong khi đó, hành lang pháp lý cho kinh doanh xăng dầu rất yếu và thiếu. Hiện có 12 DN đầu mối xăng dầu, nhưng tổng thị phần của Petrolimex, PV Oil và Sài Gòn Petro chiếm tới khoảng 90%, riêng Petrolimex đã chiếm khoảng 60%. Qua nhiều lần tăng giá cho thấy các DN đồng loạt tăng giống nhau cả về thời điểm và mức tăng là điều bất thường với dấu hiệu nhóm doanh nghiệp độc quyền đã lợi dụng vị thế thống lĩnh thị trường và vi phạm Luật Cạnh tranh…

Kỳ vọng những giải pháp điều hành quyết liệt


Bên cạnh việc phân tích những yếu kém đang là lực cản khiến nền kinh tế không thể "cất cánh", nhiều ĐBQH cũng đóng góp những ý kiến nhằm hỗ trợ DN khôi phục sản xuất đồng thời tăng cường chăm lo đời sống của người dân.

ĐB Nguyễn Cao Sơn (đoàn Hòa Bình) phân tích, việc thắt chặt tài khóa và tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát là cần thiết nhưng hệ quả là cầu nội địa giảm mạnh, hàng tồn kho lớn, lãi suất tín dụng tăng cao. Việc khó tiếp cận vốn đã khiến sản xuất khó khăn và đẩy hàng trăm nghìn DN vào tình trạng thua lỗ, ngừng sản xuất và giải thể. Thực trạng này cũng khiến số người lao động thất nghiệp tăng cao, an sinh xã hội bị ảnh hưởng. Tính đến hết tháng 9, hàng tồn kho của DN lên tới 20,4%. Để DN giải quyết hàng tồn kho, Chính phủ cần chỉ đạo hệ thống ngân hàng giảm lãi suất tiền vay xuống dưới 11%/năm, giảm bớt các thủ tục rườm rà, qua đó giúp DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Đồng quan điểm này, ĐB Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, hiện nay đang có tình trạng huy động vốn đã vượt phá trần 9% và cho vay không còn trần 15% như Ngân hàng Nhà nước quy định. Nhiều DN cho biết, muốn vay được vốn ngoài lãi suất còn phải chi nhiều khoản khác...

Bên cạnh việc sớm đưa ra những giải pháp để hỗ trợ cộng đồng DN vượt qua khó khăn, từ đó đóng góp tích cực trở lại cho nền kinh tế, các ĐBQH cũng nêu nhiều vấn đề liên quan đến chính sách an sinh xã hội. Theo ĐB Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định), đầu tư cho ngành y tế còn thấp, đội ngũ cán bộ y tế sử dụng không hiệu quả đã khiến tình trạng quá tải ở các tuyến trên đặc biệt là các tỉnh, TP lớn ngày càng tăng. Vấn đề an sinh xã hội cho người dân nghèo ở vùng sâu, vùng xa cũng được ĐB Triệu Mùi Nái (đoàn Hà Giang) đề cập. Theo ĐB, thu nhập bình quân trên đầu người ở các xã đặc biệt khó khăn chỉ bằng 1/6 thu nhập bình quân của cả nước. Hơn 200 xã và trên 8.000 thôn bản chưa được sử dụng điện, trên 300.000 hộ chưa có nước sinh hoạt hợp vệ sinh, gần 16.000 thôn bản chưa đủ nhà trẻ, lớp mẫu giáo. ĐB bày tỏ mong muốn Chính phủ sẽ có những cơ chế phù hợp, tạo cơ hội bình đẳng mọi công dân trong hưởng thụ các phúc lợi xã hội.

Những vấn đề được nêu tại diễn đàn QH cũng là những mong muốn mà cử tri cả nước gửi gắm thông qua các ĐBQH. Thông qua ý kiến của các ĐBQH có thể nhận thấy, cử tri đang kỳ vọng tình hình KT-XH trong năm tới sẽ dần được cải thiện thông qua những chính sách điều hành phù hợp, từ đó từng bước khôi phục đà tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Bắt bệnh” cho nền kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.