Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bắt 5 nghi can trong đường dây lừa đảo xuyên quốc gia

Theo Gia Minh/Tuổi trẻ| 22/11/2015 19:57

Chiều 22-11, Công an TP.HCM cho biết vừa phối hợp cùng Công an Q.3 bắt giữ năm đối tượng nằm trong chuỗi mắt xích của đường dây lừa đảo xuyên quốc gia.

(Từ trái qua) Nguyệt, Lưu Vỹ Quần và các đối tượng bị bắt tại cơ quan điều tra - Ảnh: G.Minh


Năm đối tượng bị bắt giữ gồm: Lưu Vỹ Quần (Liu Wei Chun, 34 tuổi, người Đài Loan, Trung Quốc), Dương Thị Nguyệt (33 tuổi, quê Bạc Liêu, vợ của Lưu Vỹ Quần), Nguyễn Văn Mộng (36 tuổi), Huỳnh Hoài Minh (34 tuổi) và Lê Nguyễn Kiều Xuân (30 tuổi, cùng ngụ Bạc Liêu).

Giả danh cơ quan điều tra

Thông tin ban đầu cho biết ngày 17-11, bà N. (ngụ Q.3, TP.HCM) nhận được điện thoại gọi tới máy bàn của gia đình, xưng danh là Cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội liên lạc để xác minh thông tin.

Đầu tiên, nhóm lừa đảo thông báo chính xác thông tin cá nhân của bà N., khiến bà N. tin tưởng và bắt đầu lo lắng, hoang mang vì bất ngờ bị “cơ quan điều tra” tìm tới.

Sau màn phủ đầu bằng chiêu thức xưng danh cơ quan điều tra, đọc đúng tên họ, địa chỉ, số CMND và các thông tin cá nhân khác, người gọi thông báo bà N. nằm trong danh sách của một băng nhóm buôn bán ma túy xuyên quốc gia quy mô lớn.

Quá hoảng sợ, bà N. lần lượt làm theo từng hướng dẫn của người gọi. Bà N. khai báo thành thật về toàn bộ tài sản của gia đình, trong đó có số tiền gửi ngân hàng khá lớn.

Nhóm lừa đảo khẳng định số tiền và tài sản của gia đình bà N. là “tiền bẩn”, do nhóm buôn bán ma túy trả công cho việc rửa tiền cho băng nhóm này. Nhóm lừa đảo đề nghị bà N. phải gửi tiền vào tài khoản của “cơ quan điều tra” để nhóm này xác minh nguồn gốc số tiền.

Nếu số tiền thật sự không phải từ việc buôn bán ma túy thì sẽ được trả lại trong vòng vài giờ, đồng thời sẽ được “rửa sạch” nỗi oan là thành viên tổ chức tội phạm quốc tế. Bà N. gửi 400 triệu đồng vào tài khoản của một người tên Hướng.

Sau khi gửi tiền vào tài khoản do nhóm lừa đảo chỉ định, bà N. tới Công an Q.3, TP.HCM trình báo. Công an Q.3 lập hồ sơ ban đầu, xác minh thông tin và chuyển giao cho PC46, Công an TP điều tra theo thẩm quyền do xác định có yếu tố nước ngoài trong vụ lừa đảo này.

Đã cảnh báo, vẫn tiếp tục tham gia lừa đảo

Điều đáng nói là ba người gồm: Xuân, Mộng và Minh là những người từng đi làm nhiều thẻ ATM, sau đó bán cho một đối tượng tên Nhật (chồng cũ của Nguyệt) vào năm 2014.

Chính ba đối tượng từng bị Công an tỉnh Bạc Liêu triệu tập để làm rõ về việc mở tài khoản ngân hàng, làm thẻ ATM rồi bán lại cho các tổ chức lừa đảo.

Tuy nhiên, do xác định các đối tượng này lần đầu vi phạm, chỉ là nạn nhân bị dụ dỗ chứ không ý thức được việc tham gia vào đường dây lừa đảo nên công an đã cảnh báo, đề nghị không tiếp tục tham gia tổ chức lừa đảo này.

The lời khai của Xuân, Mộng và Minh, do lần đầu chỉ bị nhắc nhở, các đối tượng cho rằng “cơ quan điều tra chỉ hù dọa” nên không sợ, tiếp tục làm thẻ bán cho Nguyệt. Trong năm 2015, các đối tượng đã làm 5 - 10 thẻ ATM của các ngân hàng, sau đó giao toàn bộ cho Nguyệt để lấy tiền từ 1 - 2 triệu đồng/thẻ.

Về phía Nguyệt, do có chị gái sống ở Đài Loan làm mai Lưu Vỹ Quần, Nguyệt đã kết hôn và theo chồng về Đài Loan sinh sống hơn một năm sau cuộc hôn nhân đầu tiên với Nhật tan vỡ. Khi ở Đài Loan, cuộc sống của Nguyệt cũng khó khăn về kinh tế, vợ làm nail, chồng mua bán trái cây, phải đi thuê nhà sống chứ không có nhà riêng.

Tháng 12-2014, Nguyệt về Việt Nam, sau đó tháng 6-2015 chồng Nguyệt cũng về Việt Nam với vợ. Tại Việt Nam, Lưu Vỹ Quần móc nối với một nhóm người Trung Quốc tại Hà Nội để thiết lập một đầu mối cung cấp thẻ ATM cho nhóm này lừa đảo các nạn nhân tại Việt Nam.

Nguyệt kết hợp cùng chồng cũ là Nhật, kêu gọi người thân, người quen tại Bạc Liêu làm rất nhiều thẻ ATM chuyển giao cho Lưu Vỹ Quần, sau đó chuyển tiếp cho các cấp cao hơn trong tổ chức lừa đảo xuyên quốc gia này. Trong thời gian ngắn, Nguyệt đã thu gom tổng cộng hơn 40 thẻ ATM, hưởng lợi hàng chục triệu đồng.

Liên quan tới vụ việc bà N. bị lừa 400 triệu đồng, sau khi chuyển tiền vào tài khoản của Hướng - một số đối tượng tại Hà Nội đã rút 100 triệu đồng qua máy ATM.

300 triệu đồng còn lại được chuyển qua các tài khoản của Nhung (Hướng, Nhung, Xuân là chị em ruột, Nhung chuyển tiếp cho Xuân), Minh và Xuân trước khi gửi trở về cho vợ chồng Nguyệt, Lưu Vỹ Quần.

Trong tổng số 300 triệu chuyển lòng vòng, cơ quan điều tra kịp phong tỏa được 175 triệu đồng.

Hiện PC46 đang phối hợp với các đơn vị chức năng mở rộng điều tra, truy tìm các mắt xích khác của tổ chức lừa đảo này. PC46 kêu gọi ai đã làm thẻ, bán lại cho các tổ chức lừa đảo cần sớm trình báo với cơ quan điều tra để kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo.

Nếu nhóm lừa đảo đã sử dụng tài khoản mà người dân làm, bán lại thẻ thì sẽ bị xử lý hình sự. PC46 cũng kêu gọi ai là nạn nhân của trò lừa này cần trình báo ngay với cơ quan điều tra để được giúp đỡ. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bắt 5 nghi can trong đường dây lừa đảo xuyên quốc gia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.