(HNM) - Thanh Hóa với 1.535 di tích lịch sử (DTLS) và danh lam thắng cảnh được coi là
Thành nhà Hồ, công trình kiến trúc đá chứa đựng nhiều bí ẩn lịch sử. |
Thành nhà Hồ và nỗi lo sụt lún
Thành nhà Hồ - niềm tự hào của xứ Thanh là công trình kiến trúc đá có một không hai của người Việt được xây dựng năm 1397 dưới thời vua Hồ Quý Ly. Đến nay, kỹ thuật xây thành vẫn còn là một ẩn số vì tòa thành có tổng chiều dài hơn 3,5km với hàng triệu mét khối đá khép kín được hoàn thành trong thời gian 3 tháng. Theo đánh giá của UNESCO, Thành nhà Hồ thể hiện những bước phát triển mới trong phong cách kiến trúc trên phương diện kỹ thuật và quy hoạch đô thị vùng Đông và Nam Á. Việc sử dụng những khối đá lớn này chứng tỏ sức mạnh tổ chức của một nhà nước tân Nho giáo, đồng thời cho thấy sự giao lưu về kỹ thuật xây dựng trong khu vực Đông Nam Á. Hơn thế, hiện vật được tìm thấy qua các cuộc khảo cổ học đã phần nào chứng minh sự hiện diện của một tòa thành tồn tại khá lâu đời…
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Hữu Nhẫn, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Thanh Hóa cho biết: "Rất ít người dân xứ Thanh cũng như người dân Việt Nam hiểu được những giá trị độc đáo có một không hai của tòa thành". Đúng như lời ông Nhẫn, rất nhiều du khách tham quan Thành nhà Hồ khi được hỏi đều nói rằng đây là tòa thành đồ sộ được tạo nên bởi những phiến đá lớn vuông vức chứ họ chưa hiểu được giá trị lịch sử, văn hóa ẩn sâu trong lòng di sản suốt hàng trăm năm qua. Hơn thế, theo ông Đỗ Quang Trọng, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Thành nhà Hồ thì di sản đã và đang phải đối mặt với sự tàn phá của thiên nhiên, đặc biệt là lũ lụt bởi nền đất của tường thành rất yếu, khi lũ lụt xảy ra, những bức tường đá có thể bị sụt lún, bị mất đi. Bên cạnh đó, mặt phía trên thành phẳng như sân bóng, mưa xuống, ngấm vào các điểm kết nối giữa các tảng đá dần dần cũng sẽ làm ảnh hưởng đến kết cấu cũng như tường thành. "Đây là những điểm cần được quan tâm đối với tân di sản văn hóa thế giới" - ông Trọng nhấn mạnh.
Di tích Lam Kinh khát vốn
Cùng với Thành nhà Hồ, Lam Kinh - nơi sinh ra người Anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lẫy lừng chiến công thế kỷ XV là di tích lớn bậc nhất xứ Thanh với tổng diện tích hơn 140ha, nằm trên địa bàn huyện Thọ Xuân và Ngọc Lặc, cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, nhiều lần bị chiến tranh, hỏa hoạn, hầu hết các di tích ở Lam Kinh trở thành phế tích, chỉ còn 5 khu lăng mộ các vua Lê và 1 khu lăng mộ hoàng hậu. Khu DTLS Lam Kinh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án phục hồi, tôn tạo từ năm 1994 với nguồn kinh phí dự toán cho hai giai đoạn là hơn 330 tỷ đồng. Bằng nguồn vốn này, một số di tích tiêu biểu ở Lam Kinh đã và đang được phục hồi, tôn tạo, như: Hệ thống La thành, sông Ngọc, Hồ Tây, giếng cổ, nghi môn, ngọ môn, sân rồng, sân chầu, các tòa thái miếu, chính điện, các khu lăng mộ… Theo ông Trịnh Đình Dương, Trưởng BQL Khu DTLS Lam Kinh thì trong tổng số 50 hạng mục công trình chính được phê duyệt, đến nay có 23 hạng mục đã hoàn thành, 5 hạng mục đang thực hiện nhưng riêng nguồn vốn còn thiếu cho các hạng mục này là 170 tỷ đồng. Ngoài ra, khu di tích còn 22 hạng mục chưa có vốn để phục hồi, tôn tạo.
Thiếu vốn ít nhiều ảnh hưởng tới quá trình thi công và không gian cảnh quan của di tích. Cụ thể là di tích cũ có 9 tòa thái miếu nhưng hiện nay mới phục hồi được 5 tòa, nhà tả vu, hữu vu, nhà quản lý, nơi đón tiếp đều chưa có.
Chưa thu hút khách tham quan
Mặc dù sở hữu rất nhiều di sản độc đáo, lại được thiên nhiên ban tặng cho nhiều cảnh quan kỳ thú, như suối cá Cẩm Lương, bãi biển Sầm Sơn… nhưng đến nay các điểm du lịch xứ Thanh chưa kết nối được với nhau. Theo thống kê của Sở VH,TT&DL Thanh Hóa, lượng khách đến các điểm DTLS đều tự phát, chưa có bất cứ công ty du lịch nào trong nước cũng như quốc tế đưa vào tour. Ví như lượng khách đến với Thành nhà Hồ sau khi trở thành Di sản văn hóa thế giới tăng không đáng kể, trung bình khoảng 200 - 300 lượt/ngày, chủ yếu là các đoàn nghiên cứu và sinh viên. Với Khu DTLS Lam Kinh cũng vậy, chỉ tương đương lượng khách như Thành nhà Hồ. Điều đó phản ánh rõ một thực tế là di tích chưa hấp dẫn khách tham quan hoặc người dân chưa hiểu được giá trị của di tích.
Để quảng bá cho di sản xứ Thanh, đồng thời coi đó là tiềm năng du lịch, tỉnh Thanh Hóa đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu giá trị của di tích và lập đề án bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử văn hóa, đặc biệt là di sản Thành nhà Hồ trình lên Thủ tướng Chính phủ. Trong đề án này, Thành nhà Hồ được phục hồi một số hạng mục quan trọng như Hào thành, Đàn tế Nam Giao, đường Hòe Nhai… nhằm đưa di sản thành công viên khảo cổ học, trồng cây xanh, dựng mô hình chứ không phục dựng cung điện, thái miếu như một số di sản khác. Cùng với đó, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Nhà nước xếp hạng cho Khu DTLS Lam Kinh, di tích Thành nhà Hồ là các di tích quốc gia đặc biệt; từng bước kết nối các điểm di tích, đưa di tích lên bản đồ du lịch và phối hợp với các địa phương có kinh đô, cố đô tạo thành điểm kết nối "Hành trình qua những kinh đô Việt cổ"…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.