(HNM) - Ngày 19-5-2021, UBND thành phố Hà Nội đã có Công văn số 1512/UBND-KGVX về tăng cường phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em, đặc biệt phòng, chống trẻ em bị rơi, ngã ở các khu chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn thành phố. Dư luận đánh giá, đây là những chỉ đạo cần thiết, kịp thời, nâng cao trách nhiệm của các sở, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương để bảo đảm an toàn cho trẻ em dịp nghỉ hè.
Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố Hà Nội Lý Duy Xuân:
Quan tâm hướng dẫn trẻ em kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích
Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra không ít vụ tai nạn, thương tích của trẻ em. Đặc biệt, vào dịp học sinh được nghỉ hè, các vụ việc tai nạn, thương tích thường tăng lên. Vì vậy, việc UBND thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 1512/UBND-KGVX là hết sức thiết thực. Thực hiện sự chỉ đạo của thành phố, Thành đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ đoàn cơ sở tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhằm truyền tải nội dung chủ đề hành động vì trẻ em tới các bậc phụ huynh và trẻ em. Cùng với đó phối hợp với ngành Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội quan tâm hướng dẫn trẻ em kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích, tự bảo vệ bản thân. Đồng thời thực hiện tốt công tác bàn giao, tiếp nhận, quản lý và đánh giá trẻ em sinh hoạt hè tại địa phương.
Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Thị Hòa:
Huy động sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể
Để trẻ em có kỳ nghỉ hè an toàn, bổ ích, nhất là an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, UBND quận Hà Đông đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, các trường học xây dựng kế hoạch chăm lo, giáo dục trẻ em dịp hè. Triển khai Công văn số 1512/UBND-KGVX của UBND thành phố Hà Nội, quận sẽ tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em, phòng, chống trẻ em bị rơi, ngã ở các khu chung cư, nhà cao tầng. Cụ thể, quận sẽ huy động sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, người dân thường xuyên rà soát, phát hiện kịp thời các khu vực thường xảy ra tai nạn hoặc có nguy cơ cao để có các biện pháp chủ động phòng, chống, khắc phục, sửa chữa nhằm loại bỏ mất an toàn với trẻ em như làm rào chắn, biển chỉ dẫn...
Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương:
Tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, thay vì tổ chức tọa đàm, hội thảo, hội thi... về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, huyện Mê Linh sẽ đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và bản thân trẻ em về phòng, chống tai nạn thương tích nói chung, phòng, chống đuối nước, tai nạn giao thông nói riêng. Đồng thời, huyện tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; chỉ đạo tổ chức tập huấn kỹ năng sống cho trẻ em nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, cách phòng, chống dịch Covid-19; giám sát chặt chẽ, bảo đảm an toàn cho trẻ em tránh các tai nạn, thương tích.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ Phùng Thị Hường:
Tạo điều kiện sử dụng hiệu quả các điểm vui chơi cộng đồng
Hằng năm, nhà trường vẫn thực hiện xây dựng mô hình ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, cộng đồng an toàn... để phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trong dịp hè. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức các lớp dạy bơi, mở rộng dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em. Cùng với đó quan tâm ưu tiên hỗ trợ trẻ em thuộc gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tuy nhiên, muốn thực hiện tốt điều này, rất cần chính quyền địa phương, cơ quan chức năng phối hợp, tạo điều kiện sử dụng thư viện, câu lạc bộ, nhà văn hóa cộng đồng... để trẻ em có nơi vui chơi bổ ích.
Chị Nguyễn Thị Lan, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Hương Sơn, Mỹ Đức:
Chủ động phòng ngừa nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ em
Để bảo vệ an toàn, giảm thiểu tối đa tình trạng trẻ em bị tai nạn hoặc tử vong do tai nạn, thương tích, theo tôi cùng với việc thực hiện tốt Công văn số 1512/UBND-KGVX của UBND thành phố Hà Nội và các giải pháp của cơ quan chức năng, cũng cần có biện pháp khắc phục, phòng ngừa khi xảy ra các vụ việc trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích theo quy định. Ngoài việc nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, cần đẩy mạnh thực hiện tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em tại công trình xây dựng, khu nhà chung cư cao tầng. Bên cạnh đó rà soát công trình chứa nước, sông, ao, hồ, khu vực nước sâu nguy hiểm… để chủ động lắp đặt rào chắn, biển cảnh báo phòng ngừa nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ em.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.