Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo vệ tốt hơn quyền con người

Vũ Duy Thông| 10/06/2015 05:37

(HNM) - Hôm qua, Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Đây là lần sửa đổi lớn với mục đích xây dựng Bộ luật Dân sự thực sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trên nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia. Qua đó, ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân trong giao lưu dân sự, góp phần ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến lần đầu vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với 10 nội dung lớn trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), từ ngày 5-1 đến 5-4-2015. 10 vấn đề trọng tâm xin ý kiến nhân dân đối với dự thảo này, đều có những ý kiến khác nhau. Sau 3 tháng, Quốc hội đã tập hợp được 7,5 triệu ý kiến đóng góp của nhân dân vào dự thảo Bộ luật sửa đổi. Và tại kỳ họp thứ chín, dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được Quốc hội xem xét lần thứ hai.

Theo báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân và tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), đa số ý kiến đánh giá dự thảo Bộ luật được xây dựng công phu, thể chế hóa được đầy đủ, toàn diện các quan điểm, chủ trương của Đảng đã được xác định tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược cải cách tư pháp; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, về xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...

Về hình thức sở hữu, đa số đại biểu Quốc hội cho rằng: Cần ghi nhận sở hữu toàn dân là một hình thức sở hữu độc lập, bên cạnh sở hữu riêng và sở hữu chung, không tán thành quan điểm cho rằng chỉ có hai hình thức là sở hữu riêng và sở hữu chung. Về thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác, nhiều đại biểu cho rằng, thời điểm chuyển giao vật, tức là thời điểm bên có quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ được trực tiếp nắm giữ, chi phối vật, trừ trường hợp luật hoặc hợp đồng có quy định khác. Nếu luật quy định việc chuyển giao vật phải được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền thì thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.

Ngoài ra là các vấn đề về quyền nhân thân, chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức, bảo vệ người thứ ba trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu, điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi, lãi suất trong hợp đồng vay tài sản, thời hiệu. Đa số đại biểu cũng không tán thành việc đưa vào bộ luật việc đặt tên không được bằng ngôn ngữ nước ngoài, bằng số và không quá 25 chữ cái, quyền được chết êm ái, quyền thay đổi giới tính, hôn nhân đồng giới…

Tuy nhiên, bên cạnh những đánh giá tích cực, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Bộ luật vẫn còn nhiều lỗi về mặt kỹ thuật văn bản; một số quy định có nội dung hoặc chưa rõ ràng, chưa hợp lý hoặc chưa giải quyết được triệt để các vấn đề phát sinh trong thực tiễn giao lưu dân sự. Những vấn đề này cần được khắc phục để bảo đảm Bộ luật Dân sự thực sự trở thành những chuẩn mực pháp lý trong ứng xử của người dân, trong hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền; bảo đảm hành lang pháp lý thuận lợi, an toàn, ít rủi ro hơn cho người dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ tốt hơn quyền con người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.