Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo vệ sông Sài Gòn: Nỗi lo từ thượng nguồn

Thùy Linh| 21/08/2010 07:12

(HNM) - Năm 2011, TP Hồ Chí Minh có kế hoạch ưu tiên thực hiện 32 nhiệm vụ với tổng kinh phí dự kiến gần 55,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách sự nghiệp môi trường, nhằm từng bước bảo vệ môi trường hệ thống sông Sài Gòn. Đây là nỗ lực của TP nhằm bảo vệ nguồn nước vốn không chỉ bị ô nhiễm từ trên địa bàn mà còn phải "gánh" nhiều chất thải trên thượng nguồn đổ xuống.

Chất lượng nước theo chiều… đi xuống!

Sông Sài Gòn là nguồn nước chính cung cấp cho các nhà máy xử lý nước của TP, thế nhưng nguồn nước này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Theo ông Võ Quang Châu, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), hàm lượng các chất hữu cơ trên sông Sài Gòn đều tăng và vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép; hàm lượng độ đục (chỉ tiêu đánh giá mức độ nhiễm bẩn của nguồn nước) và hàm lượng mangan vượt tiêu chuẩn từ 1,5 đến 5,5 lần. Còn GS-TS Lâm Minh Triết, Chủ nhiệm Chương trình Bảo vệ môi trường và tài nguyên TP, trong một nghiên cứu cũng xác định sông Sài Gòn đang ô nhiễm theo chiều hướng ngày càng tăng do các chất hữu cơ, vi sinh và kim loại nặng. Tất cả các chỉ tiêu ô nhiễm đều vượt tiêu chuẩn nguồn nước loại A (nguồn nước phục vụ cho cấp nước sinh hoạt).

Những lồng cá bè trên sông là nguyên nhân chính gây ô nhiễm sông Sài Gòn.

Nguyên nhân gây ô nhiễm sông Sài Gòn là do các chất thải công nghiệp từ các cơ sở sản xuất và nước sinh hoạt của cư dân sống trên lưu vực. Hiện ước tính có đến hơn 1.400 nguồn thải gồm DN sản xuất, trại chăn nuôi, khu quy hoạch dân cư tập trung, khu thương mại giải trí, chợ đầu mối... đổ ra các kênh rạch và sông Sài Gòn. Để giảm thiểu chất thải chảy ra hệ thống con sông này, từ năm 2005 TP đã thực hiện di dời, chuyển đổi 1.400 DN gây ô nhiễm vào KCN tập trung hoặc chuyển sang những ngành nghề sản xuất không phát sinh ô nhiễm. TP cũng đã buộc 14/14 KCN hoàn thiện và đi vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong năm 2008, Thanh tra Sở TN&MT đã kiểm tra và buộc 28 đơn vị gây ô nhiễm phải dừng sản xuất. Năm 2009 và 6 tháng đầu năm 2010 buộc 57 đơn vị dừng sản xuất công đoạn gây ô nhiễm...

Nỗi lo trên xả, dưới gánh!

Có thể nói, những năm gần đây TP Hồ Chí Minh khá mạnh tay với những vi phạm môi trường. Kinh phí mỗi năm hơn 1.000 tỷ đồng cho công tác bảo vệ môi trường cũng cho thấy những nỗ lực của TP. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn không đạt được kết quả mong đợi. Một trong những lý do là con sông Sài Gòn nằm ở khu vực hạ lưu, phải nhận nhiều nguồn thải từ thượng lưu như Đồng Nai, Lâm Đồng... đổ về. Vì vậy, nếu chỉ có mỗi TP Hồ Chí Minh quyết tâm thì vẫn không thể bảo vệ được sông Sài Gòn.

Thật ra, việc bảo vệ hệ thống sông của TP Hồ Chí Minh nói chung và các tỉnh, thành lân cận nói riêng đã được đặt ra từ rất lâu. UB bảo vệ hệ thống sông Đồng Nai gồm 12 tỉnh, thành đã được thành lập từ năm 2008. Tuy nhiên, qua hai năm, những đề án cụ thể bảo vệ hệ thống sông này vẫn giẫm chân tại chỗ. Trong chuyến làm việc của đoàn công tác UB sông Đồng Nai với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu (BRVT), Lâm Đồng và TP Hồ Chí Minh mới đây, ông Bùi Cách Tuyến, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Chánh Văn phòng UB sông Đồng Nai cho biết, các tỉnh dọc con sông này vẫn chưa phối hợp được với nhau trong bảo vệ sông. Chưa kể, các tỉnh còn "đổ thừa" nhau khi TP Hồ Chí Minh thì cho rằng Đồng Nai, Bình Dương xả nước thải làm ảnh hưởng nước sông Sài Gòn, còn hai địa phương này lại cho rằng chất lượng nước sông khu vực xấu là do tỉnh Bình Thuận xả thải xuống!

Thực tế, cũng có những địa phương chủ động bảo vệ nguồn nước sông như BRVT đã quy định tạm thời ngưng cấp phép đầu tư 5 loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (chế biến tinh bột sắn, mủ cao su, sản xuất hóa chất cơ bản, nhuộm thuộc da) và 5 loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao (xi mạ, chế biến thủy sản, sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật, sản xuất phân bón và bột giấy) có nguồn nước thải vào sông Thị Vải thuộc địa phận tỉnh. Tuy nhiên, muốn nguồn nước sông không ô nhiễm thì không chỉ một hoặc hai địa phương làm được mà nhất thiết tất cả các địa phương dọc hệ thống sông đều phải chung tay thực hiện. Ông Tuyến cho biết, Tổng cục Môi trường sẽ nhanh chóng xây dựng danh mục các ngành nghề cấm hoặc hạn chế đầu tư trên lưu vực sông. Từ nay đến cuối tháng 12-2010, buộc các KCX, KCN phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Nếu không làm được thì các đơn vị vi phạm ngoài việc bị xử phạt nghiêm còn có thể bị đóng cửa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ sông Sài Gòn: Nỗi lo từ thượng nguồn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.