Trong khi nhiều loại sản phẩm tồn đọng kéo dài, các doanh nghiệp (DN) chỉ còn biết trông chờ vào xuất khẩu (XK). Đáng mừng là lĩnh vực XK vẫn luôn đạt kết quả khả quan, là điểm sáng của nền kinh tế.
Sản xuất áo sơ mi xuất khẩu tại Công ty CP May 10. Ảnh: Minh Nguyễn
Kim ngạch XK cả nước 5 tháng đầu năm đạt 42,86 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng XK chủ lực có kim ngạch tăng khá là hàng dệt may đạt 5,3 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2011; giày dép đạt gần 2,7 tỷ USD, tăng 14,3%; thủy sản đạt 2,3 tỷ USD, tăng 11,7%. Khoảng 10 năm gần đây, nền kinh tế vẫn duy trì một số mặt hàng thường xuyên đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD và danh sách những mặt hàng này cũng dày thêm, với khoảng 15-17 mặt hàng xuất hiện từ năm 2010 đến nay. Qua thời gian, XK thật sự trở thành điểm sáng, điểm tựa cho nền kinh tế, là công cụ từng bước giúp cân bằng cán cân thương mại quốc gia, là lối thoát cho sản xuất trong nước...
EU đang là thị trường XK lớn nhất, với mức nhập khẩu 5,7 tỷ USD, chiếm 17,1% tổng kim ngạch XK của Việt Nam; tiếp đến là Hoa Kỳ gần 5,7 tỷ USD, chiếm 16,9%, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia dự báo, Hoa Kỳ đang và vẫn sẽ là thị trường trọng điểm, ngày càng có ý nghĩa và tầm quan trọng hơn đối với DN Việt Nam.
Tuy nhiên, hoạt động XK luôn ẩn chứa những yếu tố bất lợi, đe dọa hiệu quả kinh tế, nhất là khả năng duy trì, mở rộng quy mô XK của DN cũng như quốc gia. Điều này càng đúng đối với trường hợp Hoa Kỳ - thị trường nổi tiếng khó tính, với nhiều quy định phức tạp. Tại hội thảo "Kiện ra Tòa án Hoa Kỳ và WTO để bảo vệ lợi ích XK trước các biện pháp chống bán phá giá tại Hoa Kỳ" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 24-5, tại Hà Nội, các chuyên gia đã đơn cử việc Chính phủ Việt Nam đạt thành công bước đầu khi kiện Hoa Kỳ ra Tòa án WTO do nước này áp dụng biện pháp chống bán phá giá với tôm XK của Việt Nam (vụ kiện mã số DS404). Quá trình diễn ra vấn đề trên rất phức tạp, tốn thời gian, công sức và gây nhiều khó khăn, thiệt hại cho DN và người lao động Việt Nam. Tuy WTO đã nêu rõ DN XK tôm Việt Nam không bán phá giá và khuyến nghị Hoa Kỳ nên chấm dứt hành động nói trên, nhưng đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa, DN của ta tiếp tục gánh chịu thiệt hại!
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, VASEP vẫn kiên trì mục tiêu, hiện đang chủ động phương án hành động cũng như đề nghị Bộ Công thương quan tâm, hỗ trợ và đề xuất Chính phủ tiếp tục vụ kiện ở mức độ cao hơn. Ông Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh, tôm là sản phẩm quan trọng hàng đầu trong ngành hàng thủy sản XK của nước ta và nếu mặt hàng này được bảo vệ thành công cũng sẽ tạo ra niềm tin, là tiền lệ tốt để Chính phủ tiến hành các vụ kiện khác khi quyền lợi XK của DN trong nước bị đe dọa hoặc đối xử bất công. Luật sư William H.Barringer, cố vấn pháp lý của các DN XK tôm Việt Nam khuyến cáo, do quá trình chuẩn bị và thực hiện vụ kiện thương mại rất phức tạp, với những đặc thù và quy định riêng, theo thông lệ và luật pháp quốc tế, nên đòi hỏi bên khởi kiện phải chuẩn bị thật chu đáo, đầy đủ.
Thực tế cho thấy, hội nhập kinh tế quốc tế tuy mang lại thuận lợi nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức; trong đó số vụ kiện chống bán phá giá và thiết lập hàng rào thương mại từ phía nước nhập khẩu để bảo hộ thị trường trong nước luôn có xu hướng diễn ra với tần suất dày hơn. Từ đó, VCCI khuyến cáo cộng đồng DN, nhất là DN XK những mặt hàng đang được cho là nhạy cảm, cần tăng cường liên kết, trao đổi thông tin thị trường và hỗ trợ nhau để đối phó thành công với những vụ kiện từ phía các nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.