(HNMO) - Thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM) sau ba năm vận hành đã mang đến những tín hiệu tích cực như huy động nguồn điện đã hiệu quả và minh bạch hơn, giá phát điện thể hiện được quan hệ cung cầu. Tuy nhiên, để triển khai giai đoạn hai, thị trường bán buôn điện cạnh tranh, thì còn không ít chông gai.
VCGM gần tới đích
Đến lúc này có thể nhận định, dù vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc do tính chất phức tạp và rất mới của thị trường điện (TTĐ) ở nước ta, nhưng VCGM đã vận hành thành công. Số lượng nhà máy tham gia chào giá trực tiếp trên thị trường không ngừng tăng, các quy định đã được hoạch định ngày càng rõ ràng, bình đẳng với hệ thống cơ sở pháp lý được thiết kế, điều chỉnh kịp thời. Đặc biệt, các đơn vị tham gia vào thị trường đã từng bước làm chủ được thị trường, từ đó, đã tìm kiếm được cơ hội gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp mình. Tính minh bạch, hiệu quả của VCGM cũng đã được bản thân các đơn vị tham gia (kể cả trong và ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam -EVN) khẳng định.
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh |
Theo Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành Điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam, thay thế cho Quyết định số 26/2006/QĐ-TTg ngày 26-1-2006, thì cấp độ hai của thị trường điện sẽ được đẩy lên sớm hơn so với kế hoạch ban đầu. Cụ thể, năm 2015, 2016 sẽ triển khai thí điểm, chuẩn bị để năm 2017 đưa vào vận hành chính thức thị trường bán buôn điện cạnh tranh và hoàn chỉnh vào năm 2021. Từ năm 2022, sẽ thực hiện cấp độ ba là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Như vậy, năm nay đánh dấu bước phát triển mới của thị trường điện (TTĐ) cạnh tranh, đó là triển khai giai đoạn 2 - thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Tuy nhiên, hơn nửa năm trôi qua, thách thức lớn nhất hiện nay vẫn là cần có thể chế đủ mạnh nhằm bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời đủ hấp dẫn để thu hút đầu vào ngành Điện. Đây quả là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn bởi đối với người tiêu dùng Việt Nam, rất khó để có thể chấp nhận việc tăng giá điện.
Thêm nữa, trong lĩnh vực phân phối điện ở Việt Nam vốn dĩ mang bản chất độc quyền tự nhiên, nếu tiến hành so sánh được giữa các công ty phân phối điện với nhau sẽ tạo sự công khai. Như vậy cũng gây áp lực để họ hoạt động trung thực, hiệu quả hơn. Muốn cân bằng lợi ích trong thị trường điện cạnh tranh cũng cần một trọng tài cầm cân nảy mực cung cấp thông tin rõ ràng và có thẩm quyền đưa ra những quyết định hết sức khó khăn. Người trọng tài đó chính là cơ quan điều tiết điện lực. Lý tưởng nhất là phải có một cơ quan điều tiết độc lập. Nếu như điều đó không xảy ra thì Bộ chủ quản phải trao quyền cho họ tự chủ cao nhất và không nên can thiệp quá sâu vào công việc điều tiết điện lực.
Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia xây dựng TTĐ cạnh tranh là quá trình lâu dài, không thể hoàn thiện trong một sớm một chiều được. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải bảo đảm sự minh bạch cho bên bán, bên mua để mọi người cùng tin tưởng vào cuộc cải cách này.
EVN chủ động “đi trước một bước”
EVN có vai trò hết sức đặc biệt quan trọng trong một loạt khâu then chốt quyết định đến kết quả cuối cùng của TTĐ như xây dựng và vận hành kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin; xây dựng Quy trình quy định phục vụ; đào tạo nguồn nhân lực và vận hành TTĐ...
Đối với nhiệm vụ xây dựng và vận hành kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ TTĐ, EVN phải chủ động “đi trước một bước”, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, bảo đảm thị trường vận hành an toàn. Trong đó, các hệ thống quan trọng như: hệ thống thu thập và xử lý số liệu đo đếm, hệ thống điều độ điện tử (DIM); hệ thống chào giá… được xây dựng đồng bộ và ngày càng phát huy hiệu quả. EVN phải theo sát tình hình thực tiễn của diễn biến chào giá, mua bán trên thị trường, đề xuất, tham mưu cho Bộ Công Thương có những thay đổi, điều chỉnh kịp thời, giúp cho thị trường triển khai đúng hướng.
Đặc biệt, đối với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho TTĐ – một trong những nhiệm vụ có tính chất quyết định đến thành công hay thất bại của thị trường, EVN cần phải xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực hợp lý, triển khai bài bản. Theo đó, chủ động mở các lớp đào tạo, tập huấn các nội dung thông tư, nghị định liên quan đến TTĐ cho các đơn vị có nhu cầu, đảm bảo đội ngũ nhân lực làm công tác TTĐ của các đơn vị đủ năng lực để tham gia thị trường.
Trước nhiệm vụ đẩy nhanh thời gian thí điểm thị trường điện bán buôn cạnh tranh hơn dự kiến 1 năm, EVN cần tiếp tục được giao các nhiệm vụ quan trọng là: Xây dựng và vận hành kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin; tham gia cùng Cục Điều tiết Điện lực xây dựng hệ thống quy định, quy trình phục vụ thị trường; Đào tạo nguồn nhân lực; Vận hành thị trường.
Để thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh thành công, EVN cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đó là việc hoàn thiện, phát triển thị trường phát điện cạnh tranh, khắc phục một số khó khăn, bất cập. Trong đó, tiếp tục xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ thị trường điện chưa hoàn thiện như, quy trình dịch vụ phụ trợ, quy trình điều độ thời gian thực và hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin,…
Mô hình thị trường bán buôn điện cạnh tranh một cách linh hoạt cũng được xây dựng, nhằm chuyển đổi từ mô hình thị trường bán buôn điện cạnh tranh đến thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh ổn định, vững chắc.
Bộ Trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, ngay trong giai đoạn thị trường bán buôn cạnh tranh, các khách hàng tiêu thụ điện lớn được phép mua điện trực tiếp từ các nhà máy điện thông qua các cơ chế thị trường và hợp đồng dài hạn. Phạm vi, quy mô của các khách hàng lớn này sẽ dần dần được mở rộng để tăng số lượng khách hàng được quyền mua điện trực tiếp từ các nhà máy điện. Giải pháp tiếp theo là tái cấu trúc ngành điện, kiện toàn cơ cấu tổ chức của các đơn vị tham gia thị trường để phù hợp và đủ khả năng thực hiện các chức năng mới trong thị trường bán buôn. Nếu hoàn thành tốt các công tác chuẩn bị, có thể giảm được thời gian vận hành thí điểm thị trường bán buôn điện từ 2 năm (theo lộ trình) xuống còn 1 năm để đến năm 2016 bắt đầu triển khai thị trường bán buôn chính thức. Tư vấn quốc tế cũng có thể được xem xét thuê để tham gia hỗ trợ thực hiện mô hình bán lẻ cạnh tranh.
Tính đến tháng bảy này, thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM) đã chính thức vận hành được ba năm. Hiện có 59 đơn vị tham gia chào giá bán trực tiếp, với tổng công suất 14.000MW, chiếm khoảng 37,5% công suất toàn hệ thống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.