(HNM) - Dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán - thời điểm nhu cầu mua sắm, tiêu dùng tăng cao cũng là lúc các đối tượng lợi dụng để sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng lậu. Điều này đòi hỏi lực lượng chức năng phải tập trung cao độ để đấu tranh, ngăn chặn, bảo vệ người tiêu dùng. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội.
- Xin ông cho biết, các thủ đoạn gian lận thương mại mà cơ quan chức năng đã phát hiện thời gian gần đây? Những mặt hàng nào thường bị làm giả?
- Các đối tượng đã và đang sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để nhập lậu hàng hóa vào Việt Nam, chủ yếu là quần áo, giày dép, hàng thời trang, thực phẩm, dược phẩm, hóa mỹ phẩm, mặt hàng điện tử, điện thoại di động… Sau đó, hàng hóa được tập kết, gia công, gắn bao bì, nhãn mác thương hiệu nổi tiếng của Mỹ, Nhật Bản, châu Âu... nhằm lừa dối khách hàng. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh mặt hàng sử dụng tem nhập khẩu giả, in ấn bao bì nhãn mác giả có quy mô và số lượng lớn ngày càng gia tăng.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng phát hiện, xử lý nhiều vụ sản xuất, buôn bán hàng hóa kém chất lượng, giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì, tên thương mại, địa chỉ của các doanh nghiệp uy tín trong nước…, ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Đặc biệt gần đây, các đối tượng buôn bán hàng giả thường hoạt động trên môi trường internet, giao hàng qua dịch vụ chuyển phát nên việc theo dõi gặp nhiều khó khăn.
- Còn vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm thì sao, thưa ông?
- Thực hiện chỉ đạo của thành phố, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, chợ dân sinh, siêu thị, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố... Đặc biệt là các làng nghề sản xuất, kinh doanh thực phẩm tập trung như La Phù, Dương Liễu (huyện Hoài Đức). Vi phạm chủ yếu ở lĩnh vực này là kinh doanh, vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc, tem nhãn theo quy định… Đáng lưu ý là, chúng tôi đã bắt giữ một số vụ vận chuyển, tập kết nội tạng động vật hư hỏng. Nếu số hàng này tuồn ra thị trường sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
- Lực lượng quản lý thị trường làm gì để bảo đảm kiểm soát an toàn thực phẩm dịp cuối năm, thưa ông?
- Chúng tôi tập trung kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm các nguyên liệu chính và chất phụ gia được các cơ sở đưa vào sản xuất, chế biến, kinh doanh. Đồng thời, kiểm tra tem, nhãn, bao bì hàng hóa với những mặt hàng truyền thống có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết, như: Thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả, rượu, bia, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo... Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, kiểm soát các tuyến đường vận chuyển thực phẩm vào Thủ đô gắn với các chốt kiểm dịch động vật liên ngành. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, nếu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tổ chức cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng lậu, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm… cũng là một giải pháp được chúng tôi chú trọng.
- Ông có thể cho biết các biện pháp bảo đảm ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021?
- Ngày 18-12, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 22/KH-BCĐ389 về cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Theo đó, Ban Chỉ đạo yêu cầu các lực lượng thành viên xác định đối tượng, tuyến, địa bàn trọng điểm; tăng cường kiểm soát các khu vực sân bay quốc tế, ga đường sắt quốc tế, các kho hàng, chợ đầu mối, trung tâm thương mại…; phân công trách nhiệm quản lý địa bàn, lĩnh vực.
Với lực lượng quản lý thị trường, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ tập trung tại 5 quận, huyện: Hoàn Kiếm, Gia Lâm, Phúc Thọ, Hoài Đức, Phú Xuyên. Đồng thời, chúng tôi cũng phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi lợi dụng chính sách về kích cầu, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa nhằm trà trộn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm vào tiêu thụ tại các hội chợ, chương trình khuyến mại, đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa phục vụ nhân dân trong dịp Tết.
Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường thành phố giao các đội quản lý thị trường thường xuyên phối hợp với Sở Công Thương, chính quyền địa phương tăng cường kiểm soát chặt chẽ diễn biến thị trường, kịp thời xử lý tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Trong 11 tháng năm 2020, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 5.113 vụ vi phạm về hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tịch thu hàng hóa là 122,26 tỷ đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.