Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo vệ không gian thoát lũ trên lưu vực sông Hồng: Đừng thấy sông cạn mà lơ là

PV| 08/10/2015 10:22

Từ ngàn đời nay, người Việt trên lưu vực sông Hồng đã phải vất vả chống cự với lũ lụt vào mỗi mùa nước lên để mưu sinh và phát triển.



Đã hơn 10 năm nay, người dân sống ngoài đê ở các khu vực Chương Dương, Tân Ấp, Phúc Xá... của Hà Nội không còn phải chạy lụt vào mùa nước lên như trước. Nhưng không vì thế mà chúng ta có thể chủ quan với dòng sông Mẹ.

Chính con người làm hẹp sông

Từ lâu nay, việc cải tạo lòng dẫn để tăng cường khả năng thoát lũ là biện pháp chống lũ quan trọng được áp dụng trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Tuy nhiên, mực nước trên hệ thống sông Hồng đang gia tăng trong thời gian gần đây là mối đe dọa nguy hiểm nếu nước lũ về đột xuất. Theo kết quả phân tích, từ năm 1930 đến năm 1990 với cùng cấp lưu lượng tại Sơn Tây, mực nước tăng lên 0,9 mét.


Nguyên nhân chính làm mực nước sông Hồng tăng lên là do nhiều công trình được xây dựng trên hàng lang thoát lũ, lấn chiếm bãi sông và lòng dẫn làm co hẹp dòng chảy. Trên toàn hệ thống sông Hồng, tình trạng vi phạm hành lang thoát lũ, lấn chiếm bãi sông ngày càng gia tăng nhất là kể từ khi lũ trên sông Hồng ít về vào mùa mưa lũ. Ngay tại các khu vực ngoài đê và các bãi sông của Hà Nội, thực trạng này có thể quan sát bằng mắt thường. Chẳng cần phải đi xa, người dân chỉ cần đi qua cầu Long Biên, Chương Dương hay Vĩnh Tuy là có thể thấy bằng mắt thường. Ở khu vực chợ Long Biên, những khu nhà tạm được dựng lên để cho người làm nghề khuân vác thuê đã lấn ra sát mép sông. Cùng với đó là rác thải, nước thải, phế thải vật liệu xây dựng đổ thẳng ra sông khiến dòng “Quýt” ngày xưa giờ chỉ còn là con lạch đen ngòm. Phía thượng nguồn dòng Quýt (đoạn chảy qua phường Tứ Liên), người dân có thể đi sang bãi sông bằng xe máy vào mùa cạn. Dòng Quýt chỉ hồi sinh vài bữa mỗi khi nước lên.

Phía hạ nguồn sông Hồng, những bãi sông và cửa sông liên tục bị bồi lấp trong những năm qua. Việc Trung Quốc xây dựng nhiều đập thủy điện trên thượng nguồn khiến lũ sông Hồng giảm hẳn cả về lưu lượng và đợt so với trước đây càng làm cho tình trạng bồi lấp trở nên trầm trọng. Cùng với đó, khi lượng nước thượng nguồn đổ về giảm khiến tỷ lệ phân lưu giữa các nhánh sông cũng có những thay đổi nhiều so với trước. Những con sông phụ ngày càng nhỏ hẹp dần.

Trong quá trình canh tác nông nghiệp ở các bãi sông, nhiều địa phương đã xây dựng đê bối vừa để bảo vệ mùa màng vừa để chống lũ cho các khu dân cư mới hình thành. Chính những con đê bối này đã làm cản trở dòng chảy, thu hẹp lòng dẫn khiến mực nước sông tăng lên.

Cải tạo lòng dẫn để bảo vệ con người

Trước thực trạng đó, để cải tạo lòng dẫn thoát lũ, các chuyên gia về thủy lời đã đưa ra nhiều giải pháp. Trước tiên là cần rà soát, bổ sung điều chỉnh quy hoạch lại các vùng dân cư ngoài bãi sông hiện có, tạo lòng dẫn thông thoáng, tăng khả năng thoát lũ. Các địa phương và cơ quan chức năng phải kiểm soát chặt chẽ việc củng cố các tuyến đê bối hiện có, không xây thêm các tuyến đê bối không cần thiết.

Đặc biệt, việc xây dựng các công trình giao thông và lập các khu dân cư mới ở lòng sông và bãi sông phải tuân thủ chặt chẽ pháp luật hiện hành. Đối với những khu vực khoảng cách giữa 2 tuyến đê rộng, nếu cần thiết phải khai tác một phần bãi sông phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương thì phải xác định chỉ giới thoát lũ. Việc xác định chỉ giới thoát lũ trên tuyến sông cần thực hiện nghiêm túc và phải tuân thủ theo pháp luật để bảo đảm hành lang thoát lũ. Phạm vi chỉ giới thoát lũ phải bảo đảm thoát được lưu lượng lũ tối thiểu bằng lũ thiết kế mà không làm tăng cao mực nước lũ thiết kế đê tại các vị trí tương ứng.

Về tổng thể, chiều rộng tuyến thoát lũ phải bảo đảm đồng đều, bán kính cong hợp lý, trơn thuận dòng chảy (đối với những khu vực chiều rộng hai tuyến đê không bảo đảm thoát lũ thì phải lăn đê về phía đồng để bảo đảm hành lang thoát lũ). Song song với đường chỉ giới thoát lũ, các cơ quan chức năng cùng các địa phương phải xác định chỉ giới xây dựng bảo đảm khoảng lưu không (khu đệm) có chiều rộng khoảng 50 mét tạo hành lang xanh hoặc giao thông ven sông.

Vào mùa lũ, trong hành lang thoát lũ và khu đệm, người dân và doanh nghiệp phải di dời nhà cửa, công trình kiến trúc để bảo đảm thông thoáng dòng chảy. Khu vực bãi sông từ chỉ giới xây dựng đến chỉ giới phạm vi bảo vệ đê điều tuy có thể khai thác quỹ đến để phát triển kinh tế xã hội nhưng vẫn phải bảo đảm khả năng thoát lũ mỗi khi có lũ đột xuất. Các bãi nổi giữa sông bên trong hành lang thoát lũ thì không được nâng cao độ, không xây dựng công trình, nhà cửa kiên cố làm ảnh hưởng đến thoát lũ.

Ngoài ra, cơ quan chức năng trung ương và địa phương cần có kế hoạch để từng bước thực hiện nạo vét cửa sông, bãi bồi để tăng khả năng thoát lũ.

Theo thông kê, hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình có diện tích lưu vực hơn 169.000 cây số vuông, riêng phần lưu vực thuộc lãnh thổ Việt Nam chiếm 51% tương ứng 86.720 cây số vuông. Nếu không khơi thông lòng dẫn để bảo đảm khả năng thoát lũ trên hệ thống sông Hồng, thì thiệt hại lớn về người và tài sản khi lũ về với lưu lượng lớn và đột xuất là điều khó có thể tránh khỏi. Điều trớ trêu là hậu quả nặng nề khó tránh khỏi đó lại chính là bởi vì chúng ta không tôn trọng dòng chảy tự nhiên của sông Mẹ.

* Bài viết trong loạt bài phục vụ: "Tuyên truyền nâng cao năng lực truyền thông và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Ứng phó với biến đổi khí hậu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ không gian thoát lũ trên lưu vực sông Hồng: Đừng thấy sông cạn mà lơ là

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.