Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo vệ không gian ảnh hưởng

Đình Hiệp| 05/08/2014 06:01

(HNM) - Ấn Độ sẽ cấp cho Nepal 69 triệu rupee Nepal để mua muối i ốt ngăn chặn các bệnh liên quan đến thiếu i ốt của người dân nước này.


Thỏa thuận thứ ba về hợp tác giữa Hãng truyền hình Nepal và Hãng truyền hình Doordarshan của Ấn Độ... Một loạt cam kết hợp tác vừa được ký kết trong khuôn khổ chuyến công du hai ngày (3 và 4-8) của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới quốc gia láng giềng Nepal.

Chuyến thăm Nepal đầu tiên của một vị thủ tướng Ấn Độ trong vòng 17 năm qua - kể từ chuyến thăm của ông Inder Kumar Gujral năm 1997 đã mở ra một chương mới trong quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng ở khu vực Nam Á. Đặc biệt, trong cuộc hội đàm với người đồng cấp chủ nhà Sushil Koirala, hai bên đã bàn thảo nhiều vấn đề liên quan đến tiến trình hòa bình và tiến trình dự thảo Hiến pháp tại Nepal cũng như hợp tác kinh tế, an ninh… giữa hai nước. Hai nhà lãnh đạo Ấn Độ và Nepal cũng thảo luận về quan hệ song phương và những vấn đề về lợi ích chung, trong đó nổi bật là sự kiện Ấn Độ công bố gói tín dụng 1 tỷ USD dành cho Nepal. 

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Thủ tướng Nepal Sushil Koirala nhất trí thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực.


Một trong những điểm nhấn trong khuôn khổ chuyến thăm là bài phát biểu của Thủ tướng N.Modi tại Quốc hội Nepal. Là Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ tới thăm Nepal trong gần hai thập kỷ qua, song ông N.Modi là nhà lãnh đạo thứ hai của nước ngoài được phát biểu trước Quốc hội nước này (sau phát biểu của cựu Thủ tướng Đức Helmut Kohl năm 1990). Thông điệp quan trọng mà người đứng đầu quốc gia đông dân thứ hai thế giới muốn gửi đi trong bài phát biểu 45 phút là Ấn Độ không muốn can thiệp vào công việc nội bộ của Nepal và biên giới phải là "cầu nối", chứ không phải "rào cản" giữa hai nước. Trên tinh thần hợp tác đó, Ấn Độ muốn được chứng kiến Nepal trở thành một nước phát triển và sẵn sàng nỗ lực hết mình để làm việc với Nepal.

Chuyến công du của Thủ tướng N.Modi diễn ra chưa đầy một tuần sau khi Ngoại trưởng Sushma Swaraj thực hiện chuyến thăm đến quốc gia láng giềng (hồi cuối tháng 7). Những sự kiện ngoại giao con thoi dồn dập cho thấy chính sách ưu tiên đẩy mạnh quan hệ láng giềng của Chính phủ mới tại Ấn Độ. Điều này đã được Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định trước thềm chuyến thăm rằng, sự hiện diện của Thủ tướng N.Modi tại Nepal lần này không chỉ tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia láng giềng trong khu vực Nam Á, mà còn góp phần mở rộng quan hệ hợp tác song phương trên rất nhiều lĩnh vực.

Trước Nepal, tân Thủ tướng Ấn Độ đã chọn Bhutan là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài của ông trên cương vị mới. Động thái đó thể hiện rõ ràng chiến lược coi trọng quan hệ láng giềng của chính phủ mới, điều vốn ít được quan tâm hơn dưới thời chính phủ tiền nhiệm. Không ít chuyên gia phân tích cho rằng, các quốc gia láng giềng đang nắm chiếc "chìa khóa" giúp Ấn Độ có thể khẳng định vị thế trong khu vực cũng như toàn cầu. Nếu chính trị của các nước láng giềng không ổn định và kinh tế kiệt quệ thì đó sẽ là thách thức lớn đối với an ninh cũng như triển vọng kinh tế của Ấn Độ. An ninh của Ấn Độ không thể tách rời an ninh của khu vực Nam Á và kinh tế của nước này cũng dính kết với kinh tế các nước láng giềng. Vì thế, việc cải thiện quan hệ với Pakistan, Nepal, Bhutan… không chỉ giúp Ấn Độ hồi phục nền kinh tế mà còn góp phần mở ra nhiều cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường cũng như tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.

Trên thực tế, Ấn Độ có ảnh hưởng khá lớn tại Nepal khi trở thành nhà cung cấp nhiên liệu duy nhất và đối tác thương mại lớn nhất của Kathmandu. Mặc dù chiếm tới 47% đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Nepal, nhưng những năm gần đây sự cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại quốc gia Nam Á này ngày càng lớn. Bắc Kinh không ngừng gia tăng sự hiện diện tại Nepal thông qua các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ USD. Vì vậy, nhằm bảo vệ không gian ảnh hưởng truyền thống của mình tại khu vực, Ấn Độ không thể chậm chân trong cuộc đua cũng như tạo ra những khoảng trống an ninh, kinh tế ngay sát sườn. Chuyến thăm Nepal lần này của Thủ tướng N.Modi một lần nữa định hình rõ chính sách đối ngoại mà New Delhi đã lựa chọn để tiếp tục con đường trở thành một cường quốc mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ không gian ảnh hưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.