(HNM) - Trong một báo cáo mới đây, Tổ chức Lương nông của Liên hợp quốc (FAO) đưa ra khuyến cáo khu vực Đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL, 2 vựa lúa của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề của BĐKH.
Bộ NN&PTNT cho biết, Việt Nam chịu ảnh hưởng của BĐKH, mực nước biển dâng 1m, thì có đến 7% diện tích đất nông nghiệp bị tác động. Trong đó khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hứng chịu nặng nề nhất với khoảng 40% diện tích tự nhiên, tương đương khoảng 90% diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng. Ở Đồng bằng Bắc bộ, con số này là 11%, tương đương khoảng 95.000ha đất nông nghiệp bị ngập chìm trong nước. Theo các nhà khoa học, thực tế đáng báo động này sẽ xảy ra vào khoảng năm 2100. Riêng vùng ĐBSCL hiện có độ che phủ rừng trung bình thấp nhất cả nước (khoảng 12%), điều này càng gây nguy cơ cao trong khi đây lại là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước.
Cần có chiến lược tổng thể để bảo vệ cây lương thực trước tình hình BĐKH và dân số ngày càng tăng như hiện nay. Ảnh: Bá Hoạt
Thực tế đã xảy ra khi những năm qua ở nhiều khu vực của vùng ĐBSCL xâm nhập mặn đã lấn sâu đến 70km, chịu tác động mạnh nhất là các tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cà Mau... Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và môi trường tính toán, nếu nước biển dâng 1m, khoảng 1,1 triệu hécta trong tổng số 13,8 triệu hécta đất nông nghiệp sẽ bị ảnh hưởng.
Cấp thiết lập nền nông nghiệp bền vững
Ngành nông nghiệp cả nước đang thực hiện mục tiêu chiến lược bảo đảm an ninh lương thực, ổn định 3,8 triệu hécta đất lúa, trong đó có ít nhất 3,2 triệu hécta lúa 2 vụ trở lên; bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, các công trình dân sinh, hạ tầng kinh tế kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; giữ vững mức độ tăng trưởng ngành 20%, giảm tỷ lệ đói nghèo 20% và giảm phát thải khí nhà kính 20% trong từng giai đoạn 10 năm... Trước hết là kiên quyết không sử dụng đất trồng lúa để làm khu công nghiệp hay sân golf. Cần có chính sách để người trồng lúa có lợi nhuận trên 30% như chỉ đạo của Chính phủ và làm giàu bằng nghề sản xuất lúa.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, hiện thách thức lớn với đất lúa là dễ bị lấy để phát triển hạ tầng đô thị, khu công nghiệp… Trong 10 năm qua, diện tích đất lúa đã giảm xuống 348.000ha, riêng giai đoạn 2001-2006 là 303.000ha. Ngoài quyết tâm chỉ đạo quyết liệt thì phải có quy hoạch để đáp ứng nhu cầu về đất cho các mục tiêu phi nông nghiệp. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho rằng, cần điều tiết, phân bổ ngân sách bảo đảm lợi ích của các địa phương thuần nông; có chính sách đối với các vùng quy hoạch chưa sản xuất lúa theo hướng hàng hóa; tăng cường đào tạo nghề để giúp các hộ dân mất đất lúa chuyển đổi nghề; rà soát xác định rõ chỉ tiêu khống chế về diện tích đất trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt, phân bổ xác định ranh giới cắm mốc công khai đến từng xã, giao cho cấp xã chịu trách nhiệm quản lý…
Ngoài giữ diện tích đất lúa, ngành nông nghiệp cũng sẽ tập trung phát triển nền nông nghiệp bền vững, đổi mới căn bản, toàn diện từ chính sách, quy hoạch đến phương thức canh tác, đặc biệt tại các vựa lúa, vùng nuôi trồng thủy sản lớn... Tập trung nghiên cứu, chọn tạo các giống cây trồng có khả năng chịu mặn, chịu hạn, chịu ngập úng, có sức đề kháng sâu bệnh cao; kể cả cây trồng biến đổi gen làm thức ăn chăn nuôi hay cây công nghiệp ngắn ngày như đậu tương, ngô, bông vải. Cần bố trí cơ cấu cây lương thực có củ như khoai môn, khoai mỡ, khoai chuối, khoai mì... Riêng với cây lúa, cần giảm diện tích vụ xuân hè (vụ hè thu sớm), vì đây là vụ lúa dễ lưu truyền mầm mống sâu bệnh cho vụ hè thu. Các quy trình kỹ thuật cần thay đổi, cải tiến, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả và tính bền vững của mô hình sản xuất như quy trình tưới nước tiết kiệm đối với cây trồng; mở rộng, hoàn thiện mô hình lúa - tôm sú, lúa - tôm càng xanh ở một số địa phương...
Theo ông Đinh Vũ Thanh, Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về BĐKH (Bộ NN&PTNT), thực hiện các vấn đề cấp bách trên đòi hỏi nguồn lực lớn, bao gồm cả nhân lực, vật lực và tài lực. Bên cạnh sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để tăng cường năng lực, chia sẻ kiến thức, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ tài chính, các cấp, các ngành cần vào cuộc ráo riết để nâng cao nhận thức cho lực lượng cán bộ và đến từng hộ dân. Bà Toda Atsuko, đại diện Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế cho rằng các hoạt động ứng phó ở Việt Nam phải bắt đầu từ cộng đồng. Từ đó có cơ sở để lồng ghép hoặc xây dựng các chiến lược mang tầm quốc gia về BĐKH, vừa tránh được việc xử lý chồng chéo, mỗi địa phương, mỗi người dân nâng cao được ý thức.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.