Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ bằng thực lực của chính mình

Đan Nhiễm| 09/06/2014 05:50

(HNM) - Việt Nam đã có đối sách hợp lý trước việc chính quyền Bắc Kinh theo đuổi chính sách "mềm nắn, rắn buông", tiến tới mục tiêu kiểm soát Biển Đông... là nhận định của Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia về chính trị và quan hệ quốc tế (Đại học George Mason - Mỹ) xung quanh vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương - 981) tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng đã có cuộc trao đổi với Báo Hànộimới xung quanh vấn đề này.

- Thưa Giáo sư, là nhà khoa học người Việt Nam đang sinh sống và công tác tại nước ngoài, ông có nhận xét gì về phản ứng của các quốc gia trên thế giới đối với hành động của Trung Quốc khi hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam?

- Theo quan sát của tôi, phần lớn quốc gia trên thế giới đã lên tiếng về hành động của Trung Quốc tại Biển Đông, dù với mức độ nặng nhẹ khác nhau nhưng đều chỉ trích và bày tỏ quan ngại về hành động đó.

- Thưa Giáo sư, tại Diễn đàn đối thoại an ninh khu vực Shangri-La ở Singapore, chúng ta có thể diễn giải như thế nào về quan điểm trong tuyên bố của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc xung quanh “điểm nóng” Biển Đông?

- Thời gian vừa qua, hàng loạt quan chức cao cấp của chính quyền Mỹ đã nêu rõ các hành động của Trung Quốc là hung hăng, khiêu khích, thì tôi thấy là đã rất mạnh mẽ rồi. Tại Đối thoại Shangri-La vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đều coi hành động của Trung Quốc có tính khiêu khích, vi phạm luật pháp quốc tế và ủng hộ lập trường của Việt Nam. Trong khi đó, phía Trung Quốc tỏ rõ thái độ thách thức cho những quốc gia quan tâm đến tình hình trên Biển Đông, trong đó có Việt Nam, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và cả Liên minh Châu Âu (EU).

- Theo quan sát của Giáo sư, vai trò của ASEAN và các nước khác trong nỗ lực làm dịu tình hình sẽ đem lại kết quả?

- Theo tôi, vai trò các nước lớn là quan trọng, nhưng vai trò của ASEAN, nhất là những nước có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông, nếu không quan trọng hơn thì cũng không thể kém vai trò của các nước lớn. Nếu ASEAN không đoàn kết với nhau trong lời nói và hành động, tổ chức này sẽ bị chia rẽ và Trung Quốc sẽ lấn tới. Trong trường hợp lý tưởng, ASEAN phối hợp hành động với nhau, cùng với hậu thuẫn từ các cường quốc, có thể tạo ra một áp lực chính trị và tinh thần, nếu nó được hỗ trợ bằng một tương quan lực lượng thuận lợi thì áp lực này có thể làm dịu tình hình. Sự lựa chọn tốt nhất cho mỗi bên là giải pháp đàm phán đa phương và giải pháp pháp lý.

- Giáo sư có thể dự báo những leo thang tiếp theo của Trung Quốc ở Biển Đông là gì sau vụ giàn khoan Haiyang Shiyou - 981?

- Tôi nhất trí với quan điểm của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Đó là nếu Việt Nam không lên án những hành động ngang ngược, Trung Quốc sẽ còn lấn tới, cho đến hết khu vực mà nước này gọi là “đường lưỡi bò” (“Đường lưỡi bò” xuất phát từ biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc trong Vịnh Bắc bộ, chạy xuống phía Nam tương tự như hình dáng của bờ Biển Đông và Đông nam Việt Nam tới cực Nam của bãi đá san hô Scaborough Shoal (Tăng Mẫu) và sau đó quay ngược lên phía Bắc theo hướng đi song song với đường bờ biển phía tây Sabah của Malaysia và Palawan của Philippines và quần đảo Luzon, kết thúc tại khoảng giữa eo Bashi nằm giữa đảo Đài Loan và Philippines. Đường này được vẽ tùy tiện và không có tọa độ xác định chính xác, chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông - PV). Hành động đó của Trung Quốc đe dọa tự do lưu thông trên biển, đe dọa an ninh hàng hải và giá trị của luật quốc tế. Chiến lược của Trung Quốc sẽ là nay thì “đường lưỡi bò”, mai mở rộng vùng cấm đánh bắt cá và tiếp đến là thiết lập một vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ).

- Việt Nam cần chuẩn bị chiến lược dài hạn gì để đối phó với những hành động ngang ngược của Trung Quốc tại Biển Đông được dự báo sẽ leo thang trong thời gian tới, thưa Giáo sư?

- Mọi người Việt Nam đều hiểu rõ sách lược lâu dài của Trung Quốc là lấn dần và lợi dụng cơ hội để độc quyền kiểm soát Biển Đông khiến các nước trong khu vực Đông Nam Á không có lựa chọn nào khác là phục tùng Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh luôn theo đuổi chính sách “mềm nắn, rắn buông”, nhưng kiên trì từng bước tiến tới mục tiêu kiểm soát Biển Đông. Hành động sắp tới của Trung Quốc sẽ tùy thuộc vào phản ứng của Việt Nam và các nước có liên hệ đối với vụ hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou - 981. Nếu Việt Nam, cộng đồng quốc tế phản ứng mạnh và đồng bộ thì Trung Quốc có thể lui một bước để chờ “đi đêm” với một số nước ASEAN nhằm gây chia rẽ khối này, rồi tiến tới.

Thời gian qua, chính sách Việt Nam đưa ra là dựa vào thương thuyết, dựa vào luật pháp quốc tế, vào vận động sự ủng hộ của thế giới và tiến tới có thể là tòa án Luật Biển. Đồng thời, Việt Nam có những động tác chứng tỏ sự phản đối của mình với việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 thì đây là đường lối hợp lý. Nhưng điều quan trọng nhất để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ vẫn là thực lực của chính mình và hậu thuẫn thực tiễn, cụ thể của các quốc gia có lợi ích liên hệ.

- Xin cảm ơn Giáo sư!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ bằng thực lực của chính mình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.