Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em: Luật chưa theo kịp cuộc sống

Linh Chi| 20/08/2013 06:06

(HNM) - Ra đời từ năm 2004, đến nay Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã bộc lộ nhiều bất cập như quy định về độ tuổi trẻ em, thiếu chế tài xử lý các hành vi vi phạm các quyền của trẻ em…

Trong nhịp sống ngày một gấp rút hiện nay, nhiều bậc cha mẹ không thể cân đối được quỹ thời gian cho công việc và sự quan tâm, chăm sóc con cái, khiến trẻ em ngày một thiệt thòi. Từ sự quan tâm không đầy đủ, thiếu sự bảo vệ cần thiết của cha mẹ, gia đình, cộng đồng dẫn đến trẻ bị bạo lực, xâm hại, lạm dụng ngày một gia tăng. Báo cáo của Bộ Công an cho biết, trong 5 năm (2008-2013), đã phát hiện 7.931 vụ xâm hại trẻ em, với 9.765 đối tượng, 8.546 trẻ em bị hại; 49.235 vụ phạm tội với 75.594 đối tượng là vị thành niên. Số trẻ em bị bắt buộc phải chết cùng cha hoặc mẹ trong các vụ tự tử, số ca nạo phá thai, bỏ rơi con ngay từ lúc mới chào đời cũng gia tăng, xâm phạm quyền được sống của trẻ em một cách nghiêm trọng. Cùng với đó, tỷ lệ trẻ em tảo hôn, bỏ học sớm đang tăng trở lại khiến cộng đồng lo lắng.

Trong khi đó, chế tài xử lý các hành vi vi phạm các quyền được sống, được học tập, vui chơi, giải trí, được bảo vệ, chăm sóc của trẻ chưa được quy định trong luật. Các giải pháp bảo đảm các quyền chính đáng của trẻ, quy định trách nhiệm của cha mẹ, gia đình, tổ chức, xã hội trong bảo đảm quyền lợi của trẻ em cũng không được đề cập đầy đủ. Đây là những khiếm khuyết của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em hiện hành.

Bên cạnh đó, một số quyền đã được quy định trong luật, nhưng đã trở nên lạc hậu sau 9 năm đi vào đời sống. Đơn cử như theo Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em Nguyễn Hải Hữu (Bộ LĐ-TB&XH): Quyền tham gia của trẻ em được quy định trong Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 nhưng chưa đậm nét, chưa đầy đủ, cụ thể, thiếu các giải pháp, biện pháp thực hiện. Đó là nguyên nhân khiến tiếng nói của trẻ trong các vấn đề liên quan đến quyền lợi của các em chưa được quan tâm đúng mức. Theo nhiều chuyên gia, luật cần thay đổi, giúp trẻ em thực thi quyền giám sát các thiết chế nhà văn hóa, sân chơi công cộng, CLB, bể bơi, sân vận động… bảo đảm thực hiện đúng quy định. Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Luật đang bộc lộ những điểm không còn phù hợp với thực tiễn, có nhiều nội dung cần điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung để hành lang pháp lý bảo vệ, chăm sóc trẻ em được vững vàng hơn, tiên tiến hơn với tinh thần "lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu".

Trẻ em cần và mong muốn gì?

Nói lên ý kiến của mình tại Diễn đàn trẻ em năm 2013 (do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức đầu tháng 8), Nguyễn Thị Thu Trà, học sinh lớp 9D, Trường THCS Quảng An, Hà Nội thắc mắc: "Em biết Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định trẻ em là những người dưới 16 tuổi. Những người từ 18 tuổi trở lên mới được coi là công dân. Vậy từ năm 16 đến 18 tuổi, khi chúng em rất cần được bảo vệ quyền lợi, được chăm sóc về thể chất, tinh thần thì luật lại không được quy định. Em mong muốn sửa đổi luật, tăng độ tuổi trẻ em đến 18 tuổi".

Ngoài thắc mắc này, Nguyễn Phan, 16 tuổi, học sinh lớp 10 Trường THPT Phạm Kiệt, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) phản ánh: "Ở vùng quê em, tình trạng học sinh bỏ học sớm, tảo hôn có không ít. Bạn Đinh Văn Hoàn, 13 tuổi, dân tộc H'Rai bị bố bắt bỏ học để lấy một chị 16 tuổi làm vợ. Hoàn rất muốn được đi học cùng các bạn, không muốn lấy vợ. Chúng em đã nhờ nhà trường, các thầy cô giáo… nhưng cuối cùng Hoàn vẫn phải vâng lời bố. Em rất mong sửa đổi luật để tiếng nói của trẻ em được quan tâm hơn, được các bác lãnh đạo địa phương tôn trọng, giải quyết. Nếu được như thế, bạn em sẽ không phải bỏ học sớm để lấy vợ".

Em Nguyễn Hồng Thái, học sinh Trường THCS Phú Long, phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An (Bình Thuận) kiến nghị về nội dung bảo vệ trẻ em. Em cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2013, tỉnh Bình Thuận có 10 trẻ bị chết đuối. Riêng trong dịp hè này, em đã mất hai người bạn vì đuối nước. Theo Thái, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cần quy định bắt buộc phải dạy bơi cho trẻ, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, lồng ghép bơi lội vào môn TDTT ở trường. Mặt khác, trẻ em luôn có người giám sát, bảo vệ để không còn xảy ra những cái chết thương tâm như thế.

Ngoài những ý kiến trên, kết quả trưng cầu ý kiến trẻ em qua internet, đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567, phát phiếu trực tiếp tới 40 trường học tại 10 tỉnh, thành phố của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, 53,5% trẻ em (trong hơn 34.500 em có ý kiến) đồng ý với việc điều chỉnh tăng độ tuổi trẻ em đến dưới 18 tuổi. Hơn nữa, đến nay, trong các quốc gia tham gia Công ước về quyền trẻ em, chỉ còn 6 nước quy định độ tuổi trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có Việt Nam.

Trẻ em chiếm 33% tổng dân số Việt Nam, là lực lượng lao động chính của đất nước trong tương lai gần. Vì vậy, chăm lo cho sự phát triển của trẻ em là chăm lo cho tương lai của đất nước, của dân tộc, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sớm được sửa đổi, bổ sung sẽ đáp ứng nhu cầu thực tế, tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ em phát triển toàn diện.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em: Luật chưa theo kịp cuộc sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.