(HNM) - Sau 7 ngày liên tục tăng giá cơn bão vàng tiếp tục khuấy động các sàn giao dịch khắp thế giới trong tuần thứ hai và xác lập những kỷ lục mới. Kết thúc các hợp đồng cuối cùng của tuần qua, giá vàng đã leo lên đỉnh cao mọi thời đại khi chạm mức 1.322 USD/ounce.
Vẫn là những nguyên nhân không gây ngạc nhiên, mối lo về một nền kinh tế bấp bênh và có thể rơi vào suy thoái sâu đã tạo cho vàng một sức mạnh đặc biệt. 9 cú đánh bại các kỷ lục chỉ trong hai tuần, giá trị của vàng đang được đẩy lên cao trước một đồng USD ngày càng tỏ ra suy yếu. Đồng tiền mạnh nhất thế giới đã lao xuống mức đáy trong vòng một tháng qua so với những đồng bạc chủ chốt khác do những dự báo về khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ nới lỏng thanh khoản để tiếp tục kích cầu nhằm phá vỡ sức ì của nền kinh tế số 1 hành tinh. "FED không lo lạm phát mà chỉ sợ thiểu phát", tuyên bố của Chủ tịch FED, Ben Bernanke đã khiến giới đầu tư nghĩ đến một kịch bản quen thuộc là cơ quan có ảnh hưởng lớn trên quy mô toàn cầu này sẽ tung thêm một gói kích thích để can thiệp vào thị trường trái phiếu nhằm tăng lưu thông tiền tệ, giúp thúc đẩy đà phục hồi của kinh tế Mỹ. Cùng mức lãi suất gần như bằng 0 chưa biết lúc nào mới được cải thiện, việc nới lỏng định lượng - có thể diễn giải một cách dễ hiểu là in thêm tiền - sẽ khiến đồng bạc xanh tiếp tục mất giá.
Cùng với bóng ma giảm phát đe dọa nền kinh tế Mỹ, mức cung tiền tệ toàn cầu đã lên hơn gấp đôi kể từ tháng 10-2009 do các khoản bảo lãnh phá sản và các gói hỗ trợ khổng lồ. Điều này lại tạo ra nguy cơ lạm phát ở nhiều nền kinh tế và khiến thị trường tiền tệ càng trắc trở. Do vậy, USD không phải là đồng tiền duy nhất hiện nay gây lo ngại, đồng nội tệ của các cường quốc kinh tế như: Nhật Bản, Trung Quốc hay đồng tiền chung châu Âu (euro) cũng đang bị tụt điểm trong mắt các nhà đầu tư. Trong bối cảnh như vậy, vàng đã thành một công cụ bảo hiểm giá trị tài sản lý tưởng. Nhu cầu kim loại quý luôn có hạn trước những cỗ máy in tiền đang tăng tốc đột biến cũng là nguyên nhân khiến giá vàng không ngừng nhảy múa. Điều này có nghĩa là, giá vàng tăng đang bị chi phối chủ yếu bởi yếu tố đầu tư chứ không chỉ từ nhu cầu trang sức và mùa lễ hội như đã từng diễn ra theo quy luật vào thời điểm này. Ngoài ra, sự lựa chọn vàng để dự trữ của nhiều ngân hàng trung ương ở các nước cũng đang góp phần đáng kể tạo nên sự sôi động của giá vàng thời gian qua. Nhiều nước vốn nổi tiếng thận trọng về chính sách đã tiên phong trong nhập vàng nhằm tăng khối lượng nắm giữ thứ kim loại được xem là biểu tượng của sự ổn định và thịnh vượng của mọi quốc gia.
Sở hữu vàng dường như đang trở thành một xu thế thời thượng. Dấu hiệu rõ nhất là tuyên bố tăng gần gấp đôi lượng dự trữ vàng, lên mức 1.054 tấn của Trung Quốc vào năm ngoái, đưa nước này trở thành quốc gia nắm giữ vàng lớn thứ 5 trên thế giới so với 8.134 tấn của Mỹ và 2.452 tấn của Italia. Gần đây hơn, Ấn Độ, Saudi Arabia, Nga và Philippines... cũng đã công bố tăng mạnh dự trữ vàng. Câu hỏi được quan tâm nhất hiện nay là các ngân hàng trung ương nào đã mua và mua bao nhiêu vàng luôn là một bí mật quốc gia đang ngày càng cho thấy đây mới là "những người" quyết định cuộc chơi lớn và cuộc chơi này không dành cho những kẻ yếu.
Diễn biến ngoạn mục đến khắc nghiệt của thị trường vàng tuần qua cho thấy: vàng đang bước vào thời kỳ "sung sức". Tuy nhiên, mọi giá trị đều không vô hạn và dù có là thứ được tôn thờ đến mức thần bí như vàng cũng sẽ phải có những bước điều chỉnh. Song, khi nào điều đó xảy ra? Đây là câu hỏi đang gây lôi cuốn trên toàn thế giới và chưa có dấu hiệu nào cho thấy xu thế đi xuống của giá vàng trong những ngày tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.