(HNM) - Mới rồi, nhân Liên hoan Thơ Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ I tổ chức tại Việt Nam, Ban Biên tập tờ "Nghệ thuật mới" đã "tung" ra số báo đầu tiên, góp thêm cho làng báo văn nghệ một "lính mới". Đây là tờ phụ trương của Báo Người Hà Nội thuộc Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật (VHNT) Hà Nội, ra mỗi tháng một số.
Không biết có phải vì không khí tưng bừng của thi ca không mà "Nghệ thuật mới" ra mắt khá ấn tượng, ít nhiều tạo được sự phấn khởi, hy vọng của những người hoạt động VHNT. Đứng tên Báo Người Hà Nội, nhưng những cây bút xương sống đều là những tên tuổi văn nghệ, báo chí cả nước như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quyến, Phan Triều Hải, Bảo Ninh, Nguyễn Hòa… Mới đây "Nghệ thuật mới" còn có thư gửi đông đảo hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thông báo ra đời về ấn phẩm và mời các cây bút cùng góp sức. Nói như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thì những người làm "Nghệ thuật mới" muốn làm một tờ báo văn học nghệ thuật nghiêm túc nhằm tôn vinh các tác phẩm văn học, nghệ thuật, tôn vinh văn nghệ sĩ và thể hiện sự trọng thị đối với bạn đọc…
Một tờ báo về văn nghệ mới ra đời, có lẽ cũng chưa có gì nhiều để nói. Vấn đề nằm ở chỗ, nó xới lên một nỗi băn khoăn lâu nay là báo chí chuyên về lĩnh vực VHNT đang gặp những khó khăn nhất định trong việc thu hút bạn đọc. Và sự phát triển, đổi mới của nó hình như chưa tương đồng với chính sự sôi động của đời sống văn nghệ nước nhà. Đây là câu chuyện đã từng được đặt ra trong một kỳ họp của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật (LLPB VHNT) TƯ. Và tại một buổi làm việc của thành phố Hà Nội với văn nghệ sĩ, vấn đề xốc lại tổ chức, phát triển tờ báo "Người Hà Nội" cũng được đề cập tới…
Thực tế, làng báo văn nghệ có nhiều tờ đã có thâm niên, tạo được thương hiệu, uy tín như Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ quân đội… Đội ngũ cũng không hề mỏng, ngoài một số tờ báo trên còn có hàng chục tạp chí như "Diễn đàn văn nghệ" (Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam) và tạp chí của các Hội VHNT địa phương trên cả nước. Lực lượng gánh vác những tờ báo, tạp chí chuyên về lĩnh vực này cũng đều là những nhà văn, nhà thơ đã, đang sáng tác, thậm chí tạo được dấu ấn trong lòng bạn đọc… Nhưng tất cả hình như vẫn thiếu một sự đổi mới để từ đó bứt phá, mang những câu chuyện thơ văn tưởng là chỉ trên mây gió ấy đến gần hơn với đời sống. Những sự đổi mới dự đoán trước được không ít nhọc nhằn, liên quan đến tổ chức, đến chế độ nhuận bút, đến cơm áo của người làm… Biết là khó đấy, nhưng cũng như xuất bản, không đổi mới có tồn tại được không?
Thực tế, trong số những đề án triển khai Nghị quyết 23 của Bộ chính trị về "Tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới" đã có nội dung đề cập tới phát triển đội ngũ báo chí về văn nghệ. Sắp tới đây, Hội đồng LLPB VHNT TƯ cũng sẽ nâng cấp bản tin LLPB VHNT lên thành tạp chí với nhiều bài viết dự kiến đi thẳng vào những vấn đề của đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà.
Báo chí làng văn khi nào lại thực sự sôi động như đời sống làng văn là một băn khoăn của không chỉ người làm báo mà còn là của công chúng!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.