Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo tồn và phát triển nghề thêu Dũng Tiến

Nguyễn Mai| 22/10/2010 08:23

(HNM)- Hàng trăm năm nay, nhờ duy trì nghề thêu truyền thống mà người dân xã Dũng Tiến (Thường Tín) có cuộc sống sung túc. Ngày nay, ngoài thêu tay thủ công, nhiều hộ trong xã đã đầu tư mua máy thêu, hình thành nên những xưởng sản xuất quy mô lớn, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động nông thôn.


Nghề phụ, thu nhập chính


Nghề thêu ở Dũng Tiến đem lại thu nhập cao, góp phần cải thiện đời sống người dân.

Nghề thêu ở Dũng Tiến có từ thế kỷ XVII, do cụ Lê Công Hành truyền dạy cho dân làng. Đến nay, sau gần 400 năm, nghề thêu vẫn phát triển. Cụ Nguyễn Hữu Bì, nghệ nhân làng thêu Cổ Chất cho biết: Người thợ Dũng Tiến có bàn tay rất khéo, chỉ cần vẽ phác những đường mẫu trên vải bằng phấn mờ là có thể cầm kim thêu một cách dễ dàng. Nhiều tay kim điêu luyện trong làng đã được nhiều nơi mời đến truyền dạy nghề. Lớp trước dạy lớp sau, cha truyền con nối, nghề thêu ở Dũng Tiến ngày càng phát triển. Không chỉ giỏi thêu tay nghệ thuật, người dân Dũng Tiến còn năng động trong làm kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Năm 1995, một số hộ gia đình trong xã đã đầu tư máy thêu. Thêu máy cho năng suất cao, sử dụng đơn giản, thích hợp cho các mặt hàng thêu rối như khăn trải bàn, trang phục tế lễ, cờ lọng… Đến nay, cả xã đã có 1.500 chiếc máy thêu. Nhiều hộ đầu tư lớn hàng trăm triệu đồng như hộ ông Sang, ông Hiển thôn Ba Lăng, ông Dựng, ông Lượng thôn Cổ Chất... Chủ tịch UBND xã Dũng Tiến Vũ Văn Cường cho biết: Toàn xã có 4 thôn là Cổ Chất, Đông Cứu, Ba Lăng, Cao Xá với hơn 2.000 hộ dân thì có tới 90% số hộ làm thêu. Trong đó có 3 làng đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) công nhận đạt tiêu chí làng nghề. Mặc dù là nghề phụ nhưng nghề thêu lại mang về nguồn thu nhập chính cho bà con nơi đây. Khảo sát mới đây của UBND xã cho thấy, thu nhập bình quân đầu người của dân trong xã đạt 13 triệu đồng/người/năm. Những thợ thêu chuyên nghiệp, thu nhập bình quân đạt khoảng 2 triệu đồng/người/tháng.

Giữ nghề truyền thống

Không chỉ làm giàu từ nghề truyền thống, một số nghệ nhân trong xã đã dành nhiều tâm huyết khôi phục những mẫu thêu cổ đã thất truyền. Nổi bật trong số đó là nghệ nhân trẻ Vũ Văn Giỏi, thôn Đông Cứu. Anh Giỏi cho biết, cách đây khoảng 15 năm, một Việt kiều từ Mỹ đã tìm đến làng nghề đặt hàng các nghệ nhân khôi phục lại một số trang phục cung đình của triều Nguyễn. Ban đầu anh băn khoăn không muốn nhận vì đó là những mẫu thêu rất khó, đòi hỏi kỹ thuật vô cùng tỉ mỉ. Song nhớ lại hồi nhỏ, nghe kể chuyện nhiều thợ giỏi của làng đã từng vào cung thêu trang phục cho vua, anh Giỏi đã mạnh dạn nhận những mẫu thêu này và thành công, vừa nâng cao thu nhập cho gia đình, lại bảo tồn được nghề truyền thống.

Nói về những bí quyết của nghề thêu, anh Vũ Văn Giỏi cho biết, các mẫu thêu cổ phải tuân thủ những quy định ngặt nghèo, từng đường kim mũi chỉ canh nào phải đi canh nấy. Với áo vua, dù có một ngàn mũi chỉ hay chục ngàn mũi chỉ phải đều nhau tăm tắp về khoảng cách, độ dài... Hơn nữa, bất kể họa tiết nào, các mũi chỉ đều phải thêu theo một hướng nhất định. Chọn chỉ thêu áo cho vua và hoàng tộc phải tuân thủ những quy tắc khắt khe. Long bào của vua, bắt buộc phải chọn chỉ se 2 chiều, trong khi đó, áo hoàng hậu lại chỉ được dùng chỉ se một chiều... Ngoài ra, mỗi họa tiết thêu trên long bào lại đòi hỏi về màu sắc riêng, có nhiều áo phải phối hợp hàng chục loại chỉ màu khác nhau… Để có được thành công, ngoài tham khảo mẫu sẵn có, anh Giỏi còn đi nhiều nơi, học hỏi kinh nghiệm của nhiều nghệ nhân và tìm hiểu qua nhiều sách báo. Sau 6 năm ròng rã cùng nhóm thợ thêu 28 người, với gần 30 chiếc áo không đạt yêu cầu, năm 2000, chiếc áo đầu tiên mới thành công. Những kiểu thêu trên trang phục cung đình đỉnh cao của nghệ thuật thêu truyền thống đã được tái hiện. Miệt mài, tỉ mỉ và say mê vốn cổ, đến nay những trang phục cầu kỳ của vua chúa như Long bào xuân hạ Hoàng đế, Phượng bào thu đông Hoàng hậu, Sa kép xuân hạ Quý phi, Sa kép xuân hạ Thái tử, Mãng bào thu đông Hoàng tử, Mệnh phụ thu đông Công chúa… đã được anh Giỏi và nhóm thợ thêu tái hiện nguyên bản, góp phần làm sống lại tinh hoa một thời rực rỡ của nghề thêu truyền thống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn và phát triển nghề thêu Dũng Tiến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.