Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo tồn và phát triển đều cần thiết

Thu Hiền| 22/04/2013 05:59

(HNM) - Nhằm giúp dư luận có cái nhìn khách quan, đa chiều về dự án xây cầu vượt tại ngã năm Ô Chợ Dừa, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Phạm Quang Long, Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội xung quanh vấn đề này.

- Thưa ông, những ngày gần đây, dự án xây cầu vượt tại ngã năm Ô Chợ Dừa nhận được ý kiến nhiều chiều của dư luận. Ý kiến của ông về dự án này thế nào?

- Tôi xin nói ngay rằng đây là dự án rất cần thiết, góp phần giải quyết những yếu kém về giao thông cho Hà Nội hiện nay, bởi ngã năm Ô Chợ Dừa là một trong những điểm nút trên trục giao thông quan trọng nằm ở phía tây thành phố. Về ý kiến của dư luận, có ý kiến tôi đồng tình, có ý kiến tôi không đồng tình. Tôi đồng tình với những ý kiến góp ý chặt chẽ về lý lẽ, đúng mức về thái độ và không đồng tình với những ý kiến chưa đúng và thái độ, thậm chí cực đoan…

Dự án cầu vượt Ô Chợ Dừa được xây dựng sẽ góp phần tích cực giảm ùn tắc giao thông trong những giờ cao điểm. Ảnh: Bá Hoạt


- Nếu được triển khai, dự án có xâm phạm di tích, vi phạm Luật Di sản văn hóa và có lỗi với tổ tiên không, thưa ông?

- Lúc đầu, các nhà thiết kế dự kiến có hai nhánh đường chạy hai bên, tránh phần lõi của di tích, ôm lấy di tích từ độ cao khoảng 7m. Sở VH,TT&DL Hà Nội kiến nghị nên bỏ phương án này vì hai đoạn đường ấy làm cho di tích như nằm dưới gầm cầu vượt, dù thực tế không phải như thế. Các nhà thiết kế lại trình phương án thứ hai, chỉ để một đường, đi sát phía tay phải theo phía từ Kim Liên sang hướng Hoàng Cầu, dài hơn 60m, cách nhà dân khoảng 1m, từ mép cầu chiếu thẳng xuống không trùng với chỉ giới của di tích. Sau khi cân nhắc về các chỉ tiêu an toàn, đơn vị thiết kế đề nghị điều chỉnh tăng khoảng cách giữa mép cầu vượt với nhà dân nên mép cầu sẽ chờm lên chỉ giới di tích khoảng 0,8m từ độ cao khoảng 7m. Theo phương án này, đoạn cầu vượt đã lượn từ tim đường cách di tích một khoảng cách đủ thoáng, đi sát phía bên phải sang Hoàng Cầu và tạo ra một khoảng không gian thoáng, không có đường vượt ở phía đối diện. Các cột móng không xâm hại đến chỉ giới di tích. Luật Di sản văn hóa không quy định về không gian nhưng yêu cầu phải bảo đảm công trình không làm ảnh hưởng cảnh quan.

Việc xây cầu vượt rõ ràng có ảnh hưởng về cảnh quan nhưng cũng cần chú ý điều này: Cơ quan chuyên môn đã chọn phương án hạn chế nhiều nhất ảnh hưởng đến di tích. Chỉ không làm con đường này thì mới không ảnh hưởng, chứ đã làm thì không thể tránh khỏi sự ảnh hưởng. Nhưng, tôi cũng lại đặt câu hỏi: Nếu không làm cây cầu vượt, cứ để tình trạng ùn tắc như hiện nay thì chúng ta có lỗi với ai? Tôi nghĩ, trước hết có lỗi với toàn xã hội và cũng có lỗi với tổ tiên ở chỗ chưa làm cho mọi người bớt lãng phí của cải, thời giờ, sức lực vì ngày nào cũng tắc đường. Tôi sinh ra ở nông thôn, đi học, làm việc và sinh sống ở Hà Nội. Mỗi năm về hương khói cho tổ tiên đôi ba lần. Nếu bảo thế là có lỗi với tổ tiên thì tôi có lỗi. Nhưng, cuộc sống nó thế, không có sự lựa chọn khác. Trong thâm tâm, tôi không tin tổ tiên tôi trách móc gì vì sự ít về quê của tôi đâu. Có khi các cụ lại mừng vì con cháu đã không còn lam lũ. Thời thế đổi thay, nhu cầu đổi khác, không nên khư khư ôm lấy cái gọi là giữ nếp cũ để chịu khổ, chịu nghèo. Thay đổi mà không trái đạo lý, không phủ nhận quá khứ thì không mang ý nghĩa xấu đâu. Sự vật nào chả có hai hoặc nhiều mặt. Được cái này sẽ phải mất cái khác, miễn là cần cân nhắc được và mất cho đúng. Đó là sự đổi mới mang tính khoa học chứ không phải là sự phản bội quá khứ.

- Bảo tồn và phát huy giá trị của di tích sao cho hài hòa với sự phát triển là bài toán đặt ra không chỉ với người làm công tác quản lý mà của toàn dân. Với vai trò là người làm công tác quản lý, ông có thể cho biết ngành văn hóa Hà Nội đã, đang và sẽ làm gì để tìm lời giải cho bài toán này?

- Bảo tồn và phát huy giá trị của di tích sao cho hài hòa với sự phát triển là bài toán không dễ giải. Có quốc gia, dân tộc giải nhầm bài toán này và phải gánh chịu hậu quả. Tôi xin kể câu chuyện khi đi vận động người dân ở phố cổ giữ nguyên những ngôi nhà cổ ấy để bảo tồn. Có một ông hỏi tôi: “Ông người quê đâu? Nhà ông ở đâu?”. Khi biết tôi sinh ra ở quê, giờ ở nhà xây 3 tầng, có tiện nghi, ông ấy bảo: “Thảo nào, ông vận động tôi giữ nguyên những cái cũ. Ông cứ ở trong phố cổ như tôi xem, ông có chịu không? Ông bảo tôi chịu khổ cực cho các ông đến xem như đi xem bách thú à? Còn lâu nhé! Chúng tôi cũng phải sống đã. Là người, ai cũng muốn sống sướng hơn. Chỉ có các ông khôn còn chúng tôi dại chắc? Nếu có tiền, tôi cũng chỉ giữ cái vỏ cổ để làm kinh tế thôi, ông muốn đến xem phải trả tiền. Còn giờ, chưa có tiền, tôi phải lo sửa sang để sống đã”. Kể chuyện này tôi muốn nói rằng, bảo tồn cũng cần có điều kiện, bảo tồn cũng cần lựa chọn chứ không phải cái gì cũng giữ thì cuối cùng sẽ không giữ được cái gì tử tế cả. Bảo tồn và phát triển là sự nghiệp chung, ai cũng cần và phải góp sức. Nói lý thuyết thì dễ nhưng giải bài toán thực tiễn mới khó. Giả dụ, nếu chúng ta thật giàu có, ta chẳng cần làm con đường này mà xây thật nhiều khu đô thị mới hiện đại, chuyển dân ra đó ở còn khu vực Hà Nội cũ cứ để nguyên như thế, để người dân tận mắt thấy dấu ấn lịch sử còn nguyên vẹn. Nhưng đó chỉ là ý tưởng, không khả thi vì ai cũng cần phải sống, cả xã hội cũng phải vận hành theo những quy luật của nó. Sự được mất ấy dễ nhận thấy nhưng cái chính là chọn cái nào phù hợp hơn thôi.

- Từ những sự việc đã xảy ra trên thực tế, ông có kiến nghị gì với các cơ quan hữu quan để việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích hài hòa với yêu cầu phát triển?

- Tôi nghĩ việc này cực khó. Bởi, ai chả biết học giỏi sẽ dễ xin việc làm, sẽ có tương lai. Nhưng có phải ai muốn cũng học giỏi được đâu, ai giỏi cũng được học nghề mình muốn và tìm được việc làm tốt đâu? Còn nhiều yếu tố khác nữa. Chính sách có rồi, quy định không thiếu. Cái chính vẫn là biết chọn cái gì cần làm, làm thế nào để hiệu quả nhất thôi. Ai chả biết để không phải chịu búa rìu thì thôi không làm chiếc cầu này. Nhưng, không làm chiếc cầu này thì giải quyết sao được chuyện đi lại của người dân? Vậy mới phải tính. Và người ta cũng tính toán nát óc ra chứ đâu phải làm việc này vô cảm, chớt chát. Tôi cũng chưa nghĩ ra được cách nào hay hơn đâu. Ai có cách nào hay thì xin hãy góp ý cho những người đang lo thiết kế. Tôi chắc họ sẽ vui mừng và biết ơn nếu tìm được phương án hay hơn. Vì vậy, tôi xin nói lại: Tôi ủng hộ việc làm cầu, ủng hộ phương án hạn chế tác hại đến di tích như hiện nay. Nếu ai đề xuất được phương án hay hơn nữa thì cũng nên nêu ra sớm để sớm đưa vào thực hiện, vì suy cho cùng, người nêu ý dừng dự án lại cũng muốn điều tốt cho xã hội và người làm chiếc cầu này cũng không ngoài mong muốn ấy.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn và phát triển đều cần thiết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.