Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo tồn và phát huy di sản ca trù: Cần một cuộc "kiến tạo" lại

Minh Ngọc| 25/10/2015 06:31

(HNM) - Qua ý kiến tâm huyết của những người yêu di sản, có thể nhận thấy di sản ca trù ở Hà Nội đã và đang hồi sinh, phát triển nhưng sự phát triển ấy thiếu bền vững.

Biểu diễn ca trù của CLB Ca trù Thăng Long.


Phát triển nhưng vẫn... lo

Theo thống kê, Hà Nội có 14 CLB và nhóm ca trù đang hoạt động, 50 người có khả năng truyền dạy, 220 người đang thực hành và hàng trăm người đang theo học. Các CLB Ca trù vừa lưu giữ hơn 30 thể cách, điệu múa cổ, vừa sáng tác thêm 18 làn điệu mới nhằm đáp ứng nhu cầu của người nghe. Ngoài việc tham gia các liên hoan, hội diễn do ngành Văn hóa tổ chức, hầu hết CLB Ca trù ở Hà Nội mở được lớp truyền dạy và duy trì sinh hoạt đều đặn. Trong đó, CLB Ca trù Hà Nội, Thăng Long, Thái Hà… thường xuyên biểu diễn ở các địa chỉ văn hóa phục vụ nhân dân Thủ đô và du khách. Một số địa phương không còn lưu giữ được loại hình nghệ thuật bác học này, nay có nguyện vọng khôi phục di sản. Mừng hơn, 17 "cây đa, cây đề" của nghệ thuật ca trù ở Hà Nội đang được xem xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân Ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ nhất.

So với số người thực hành ca trù ở Hà Nội có thể đếm được trên đầu ngón tay, cả năm chẳng mấy khi đàn hát ở thời điểm năm 2009 trở về trước, rõ ràng loại hình nghệ thuật này đang hồi sinh, phát triển mạnh mẽ. Nhưng, so với yêu cầu của thực tiễn thì công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản ca trù còn rất nhiều điều phải bàn. Bà Nguyễn Thúy Hòa (CLB Ca trù Thái Hà) cho biết: "Sau khi ca trù được UNESCO vinh danh, CLB Ca trù Thái Hà được hỗ trợ kinh phí tham gia các liên hoan, hội diễn, được cấp một phần trang thiết bị, giúp các nghệ nhân yên tâm hơn trong việc truyền dạy. Tuy nhiên, dù chúng tôi cố gắng đến đâu thì cũng không thể có được điểm sinh hoạt và không gian biểu diễn thường xuyên để đưa ca trù tới gần hơn với công chúng".

Bà Phạm Thị Huệ (CLB Ca trù Thăng Long) tỏ ý băn khoăn: "Dù tâm huyết đến mấy, chúng tôi cũng khó lòng giữ được người trẻ gắn bó với ca trù. Phải mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền của mới đào tạo được một người biết hát ca trù nhưng sau khi học xong, đa phần các em chuyển sang làm nghề khác do không thể sống được bằng nghề. Để việc truyền dạy ca trù diễn ra tự phát như hiện nay, tôi e rằng di sản khó có thể khôi phục, phát triển như mong muốn vì kinh phí của các CLB cạn kiệt rồi, nguồn hỗ trợ cũng chưa có".

Ở CLB Ca trù Chanh Thôn (xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên), Lỗ Khê (xã Liên Hà, huyện Đông Anh) hay Ngãi Cầu (xã An Khánh, huyện Hoài Đức), nghệ thuật ca trù đã ngấm vào máu thịt của nhiều thế hệ nên không quá khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động lớp trẻ theo học nhưng lại rất thiếu sân khấu biểu diễn. "Bảo tồn ca trù mà thiếu sân khấu cho nghệ nhân biểu diễn thì chẳng khác nào muốn kéo dài sự sống cho con người nhưng lại không cho họ không khí để thở. Tình trạng này kéo dài, không ít CLB, nhóm ca trù đứng trước nguy cơ tái mai một", bà Nguyễn Thị Ngoan (Chủ nhiệm CLB Ca trù Chanh Thôn) nói.

Từ những dẫn chứng cụ thể nói trên, có thể nhận thấy di sản ca trù ở Hà Nội tuy đã hồi sinh, phát triển, song sự phát triển ấy thiếu tính bền vững.

Thiếu đề án bảo tồn tầm quốc gia

Đồng hành cùng các nghệ nhân ca trù nhiều năm qua, GS Tô Ngọc Thanh (Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) nhận định: Nếu ví ca trù là một tòa tháp gồm nhiều tầng thì những gì còn lại hiện nay chỉ tương đương với tầng thứ nhất. Cơ quan chức năng và các "báu vật nhân văn sống" cần mạnh dạn "kiến tạo" lại di sản bằng một kế hoạch dài hơi và phân chia thành từng giai đoạn để thực hiện. "Giai đoạn đầu chúng ta có thể phổ biến, truyền dạy những thể cách cơ bản như Hồng hồng tuyết tuyết, Tỳ bà hành…, sau đó học các thể cách khó hơn. Chịu trách nhiệm thực hiện công cuộc kiến tạo này là cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, nghệ nhân và cộng đồng dân cư. Làm được như vậy, tôi tin ca trù có thể lung linh, rực rỡ hơn cả thời hoàng kim trong quá khứ", GS Tô Ngọc Thanh nhấn mạnh.

Ở góc độ khác, TS Lê Thị Minh Lý (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa) cho rằng, sau 6 năm được UNESCO vinh danh, ca trù vẫn thiếu một đề án bảo tồn và phát huy giá trị mang tầm quốc gia, trong khi các di sản khác đã có rồi. Hà Nội, với những lợi thế sẵn có, nên là địa phương đi tiên phong trong việc thực hiện các kế hoạch bảo tồn. Trước hết, Hà Nội cần có một cuộc đánh giá toàn diện về ca trù, sau đó xây dựng đề án bảo tồn cụ thể. Trong đề án bảo tồn, Hà Nội nên ưu tiên đầu tư cho việc trao truyền di sản; tạo điều kiện cho ca trù có không gian biểu diễn, thực hành thường xuyên ở những địa điểm khác nhau… Đây cũng là ý kiến của đại diện Cục Di sản văn hóa và một số nhà khoa học.

Theo lộ trình, UNESCO sẽ có đánh giá về di sản sau 5 năm di sản được vinh danh. Năm 2014, Việt Nam đã báo cáo về tình trạng bảo tồn và phát huy giá trị di sản ca trù lên UNESCO, đề nghị xem xét đưa ra khỏi danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp nhưng UNESCO yêu cầu Việt Nam để lại đến năm 2017 báo cáo tiếp. Điều đó đồng nghĩa với việc di sản ca trù hiện chưa thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp để trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trong khi thời gian đệ trình lần tiếp theo không còn dài.

GS Tô Ngọc Thanh:
Có thể huy động nguồn lực xã hội hóa bảo tồn ca trù

Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã thí điểm thành lập CLB Những người yêu sử thi và CLB Doanh nhân yêu văn hóa dân tộc ở Gia Lai để giới thiệu, quảng bá di sản, đồng thời tranh thủ các nguồn lực xã hội. Sau một thời gian hoạt động, các CLB này nhận được sự đóng góp lên đến 500 triệu đồng. Số tiền đủ để bồi dưỡng cho 15 nghệ nhân sử thi, mỗi người 300 nghìn đồng/tháng, giúp họ yên tâm gìn giữ, trao truyền di sản, duy trì hoạt động của CLB. Hà Nội là cái nôi của di sản, lại có nhiều doanh nhân tâm huyết với di sản nên có thể nghiên cứu thực hiện theo phương án này.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn và phát huy di sản ca trù: Cần một cuộc "kiến tạo" lại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.