Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo tồn, tôn tạo cách nào?

Vũ Duy Thông| 15/11/2010 06:10

(HNM) - Lâu lâu, lại rộ lên lời phàn nàn về việc


Mặc dù đã cẩn thận dùng loại gạch vồ cùng thời với gạch xây cửa ô (lấy từ di tích Trung tâm Hoàng thành về) để thay thế các viên gạch bị nứt vỡ, nhưng Ô Quan Chưởng sau tôn tạo vẫn mất đi lớp rêu phong và bị lớp sơn mới làm cho trẻ ra. Hà Nội còn có chuyện ồn ào, đó là việc phá tấm bình phong ngăn cách tượng Vua Lê Lợi (dựng năm 1889) với đình Nam Hương của thôn Tự Tháp, khiến ngôi đình cổ vốn bị nhầm là đền Vua Lê nay lại càng dễ bị nhầm hơn.

Chưa hết, nhân chuyện này, người ta nhớ lại 15 năm về trước, cả Hà Nội tá hỏa về Tháp Rùa bỗng nhiên to ra, trông lạ như mới xây lại. Hóa ra không phải, Tháp Rùa vẫn là Tháp Rùa cũ, chỉ quét vôi lại và đắp lại mấy chỗ bị vỡ. Bây giờ thì bình thường rồi, nước vôi đã phong rêu trở lại như xưa.

Xa Hà Nội hơn về mạn Tây Bắc là chuyện "biến ngôi thành cổ trên 400 tuổi thành lò gạch một tuổi". Người ta có ý chê trách Ban Quản lý dự án tôn tạo thành nhà Mạc tại trung tâm thành phố Tuyên Quang đã bóc hết đám cây cối chằng chịt rễ trên thành, xây lại thành bằng gạch hiện đại. Quả thật, để cây mọc um tùm, rễ đâm ngang đâm dọc sắp phá sập đoạn thành cổ là không được. Nhưng phá trụi cây đi, xây lại thành bằng gạch mới thì cũng khó coi. Trước hết là quá lạ mắt, hai nữa di tích khi đã mất đi vẻ bí ẩn, u huyền thì chỉ còn lại một kiến trúc khô khan hình thù na ná cái lò gạch mà thôi.

Xa hẳn Hà Nội về phía Nam, tận An Giang cũng lại có chuyện xung quanh việc tôn tạo di tích Thoại Ngọc Hầu, một công thần triều Nguyễn hơn 200 năm trước, người có công mở mang và xây dựng vùng này, tổ chức dân phu đào thủ công hai con kênh nổi tiếng là kênh Vĩnh Tế và kênh Thoại. Những người tôn tạo di tích này đã xây mới rất khang trang khu miếu thờ và 3 ngôi mộ (một của Thoại Ngọc Hầu và 2 ngôi còn lại của hai bà vợ ông) dưới chân núi Sam, khiến nó trở thành một điểm du lịch mới toanh. Họ còn (điều này thì rất không được!) đào mộ Thoại Ngọc Hầu để gom đồ tùy táng dùng cho bảo tàng và… chống mất cắp (?).

Hà Nội cũng còn vô số chuyện, trong khi khôi phục, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa từ đình Yên Phụ tới chùa Kim Liên; từ chiếc cổng làng tới ngọn đèn trong vườn Văn Miếu, nghĩa là đụng tới đâu là cũng có ý kiến. Vậy khôi phục, tôn tạo như thế nào là không xâm hại, không làm biến dạng, giảm giá trị di tích và ngược lại? Chỉ có thống nhất được các chuẩn mực đó mới tránh được tình trạng tranh luận bất tận, cản trở công việc hoặc để xảy ra nhiều chuyện đau lòng hiện nay.

Để làm rõ điều này, thử lấy một thí dụ là khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám để bàn.

Văn Miếu được lập từ năm 1070. Thời kỳ đầu, Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn là một khu đất thấp phía nam thành Thăng Long, thuộc làng Thịnh Hào, tổng Thọ Xương. Trải qua rất nhiều lần sửa sang, tôn tạo, mỗi lần thêm bớt, thay đổi một tí về diện tích, quang cảnh, kiến trúc, mục đích sử dụng, chúng ta có Văn Miếu - Quốc Tử Giám như ngày nay. Chẳng hạn như 414 năm sau ngày có Văn Miếu, người ta mới dựng bia tiến sĩ rồi sau đó còn nhiều lần sắp xếp, dựng lại số bia này. Cùng với các bia tiến sĩ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn rất nhiều thay đổi không giống như cũ. Thí dụ như Khuê Văn Các mới được xây từ năm 1805. Gần đây nhất, khu nhà Thái Học đã bị thực dân Pháp bắn đại bác phá sập từ năm 1947, không còn tư liệu kiến trúc nào. Nhà Thái Học hiện nay được xây dựng lại hoàn toàn mới năm 1999 nhưng từ đó đến nay không làm xấu đi Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ngược lại còn làm đẹp hơn nên tuyệt nhiên không có lời phàn nàn nào mặc dù không ai dám bảo đảm rằng nhà Thái Học là hai tầng, cầu thang như thế, lan can như thế…

Kể chuyện di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám dài như thế chỉ để nhằm đến một kết luận: Khôi phục, sửa chữa, tôn tạo một di tích nào đó, không nhất thiết phải làm giống hệt như cũ. Nếu nệ cổ, hoài cổ, chúng ta sẽ không thể có một Văn Miếu - Quốc Tử Giám như ngày nay vì cách đây gần 1.000 năm, nơi đây còn rất nhiều công trình tre lá. Toàn bộ các kiến trúc hiện nay đều mới được xây dựng bằng vật liệu hiện đại, từ đầu triều Nguyễn, tức là thế kỷ XIX. Cần nói thêm, rất nhiều đình, chùa, miếu mạo, lăng mộ hiện nay thuộc diện di tích được xếp hạng đều được xây dựng vào thời kỳ này. Những người khôi phục, xây dựng lúc đó chủ trương không sao chép, nệ cổ, miễn là đẹp hơn, bền hơn, không làm ảnh hưởng tới nội dung của các công trình được khôi phục, tôn tạo.

Vậy chúng ta chọn cách nào đây? Giữ lại tối đa những gì đã có kể cả lớp rêu phong, màu sắc vôi gạch của công trình, chỉ thay thế những gì không thể giữ lại được hay mạnh dạn nâng cao chất lượng kiến trúc, thậm chí sẵn sàng thêm bớt cả các công trình với mục đích tôn vinh thêm giá trị của di tích đó? Tùy theo công trình cụ thể, có thể chọn cách thứ nhất nhưng cũng có thể chọn cách thứ hai hoặc phối hợp cả hai cách, không nhất thiết chỉ có một cách, miễn là đạt hiệu quả.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn, tôn tạo cách nào?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.