Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo tồn rùa với tốc độ... “rùa”?

ANHTHU| 22/03/2005 08:51

Ở nước ta hiện có 23 loài rùa cạn và rùa nước ngọt, 5 loài rùa biển. Tất cả 28 loài rùa Việt Nam đều nằm trong danh sách bị đe dọa tuyệt chủng do mất môi trường sống, nạn săn bắt và buôn bán động vật hoang dã. Song, hiện tại công tác bảo tồn rùa của nước ta lại quá chậm và còn nhiều điều bất cập.

Lực lượng kiểm lâm Sóc Sơn kiểm định số lượng rùa mới bị thu giữ và được đưa vào nuôi dưỡng tại Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn

Ở nước ta hiện có 23 loài rùa cạn và rùa nước ngọt, 5 loài rùa biển. Tất cả 28 loài rùa Việt Nam đều nằm trong danh sách bị đe dọa tuyệt chủng do mất môi trường sống, nạn săn bắt và buôn bán động vật hoang dã. Song, hiện tại công tác bảo tồn rùa của nước ta lại quá chậm và còn nhiều điều bất cập.

Thị trường tiêu thụ rùa lớn nhất ở châu Á hiện nay là Trung Quốc, Nhật Bản. Nước ta được coi là nơi trung chuyển rùa từ Lào, Cam-pu-chia để chuyển sang các thị trường kể trên. Việc buôn bán rùa từ nước ta sang Trung Quốc mới chỉ diễn ra vài năm gần đây, nhưng ngày càng gia tăng. Hằng năm, ước tính có khoảng 10.000 tấn rùa bị buôn bán và vận chuyển trong khu vực châu á, trong đó Việt Nam chiếm số lượng không nhỏ. Với tốc độ đó, chắc chắn rùa ở Việt Nam ngày càng cạn kiệt.

NĐ 18 của HĐBT (nay là Chính phủ) ngày 17-1-1992 và NĐ số 48/CP ngày 22-4-2002 bổ sung các quy định danh mục thực vật rừng, động vật rừng quý hiếm và chế độ quản lý, bảo vệ chỉ có tên của 5 loài rùa: rùa hộp ba vạch, rùa đất lớn, rùa răng và hai loài rùa núi vàng. Trong Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) cũng chỉ có tên 19 loài rùa Việt Nam. Như vậy, ngay cả trong các văn bản pháp luật, các loài rùa Việt Nam vẫn chưa được bảo vệ hoàn toàn trước mối đe dọa bị săn bắt và buôn bán. Đặc biệt ở nước ta, rùa Hoàn Kiếm, tên khoa học là Rafetus swinhoei, được liệt vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất. trên thế giới hiện chỉ có 6 cá thể sống của loài rùa này, trong đó “cụ” rùa Hoàn Kiếm là cá thể sống duy nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, tên “cụ” lại không hề có trong NĐ 18, NĐ 48, Công ước CITES, thậm chí không hề có tên trong bất cứ cuốn sách nào về loài rùa ở châu Á.

Rùa hiện nay đang bị vắt cạn kiệt các giá trị sử dụng. Các món ăn chế biến từ rùa trở thành đặc sản của các nhà hàng. Người Trung Quốc tin rằng, rùa vàng có thể dùng làm thuốc chữa bệnh ung thư. Loại rùa này được bán với giá đắt nhất ở Việt Nam, khoảng 2000 - 3000 USD/kg. Ông Douglas Henrie, điều phối viên Bảo tồn khu vực châu Ácủa Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã cho biết: “9 năm làm việc tại Việt Nam, tôi chỉ thấy 5 con rùa vàng sống; 4 con ở trên tay các chủ buôn, 1 con ở Chi cục Kiểm lâm. Riêng con rùa ở Chi cục Kiểm lâm, khi biết chúng tôi có ý định xem và tìm hiểu, người có trách nhiệm vội nói rằng nó đã trốn mất ?!”.

Rùa còn là loài động vật làm cảnh được nhiều người ưa thích, đặc biệt là khách du lịch. ở châu á hiện có nhiều chợ tại các thành phố lớn chuyên buôn bán động vật hoang dã làm cảnh, chợ Đồng Xuân ở Việt Nam cũng nằm trong tình trạng đó. Không những thế, ở các cửa hàng bán đồ lưu niệm cho khách nước ngoài, thậm chí ở các sân bay, các vật trang trí, gọng kính, vòng, lược... làm từ mai rùa được bày bán công khai.

Hiện nay, môi trường sống của rùa ngày càng bị thu hẹp. Việc chuyển đổi đất tự nhiên thành đất canh tác, nạn khai thác gỗ, cháy rừng, nạo vét lòng sông, bờ và các cồn cát... khiến rùa không còn môi trường sống phù hợp. Nhiều loài rùa của Việt Nam chưa được các nhà khoa học xác định được quần thể là bao nhiêu, môi trường sống thích hợp như thế nào vì hiếm khi còn nhìn thấy chúng.

Rùa là loài động vật chậm trưởng thành, kkhoảng 8 - 12 năm mới sinh sản được, đẻ rất ít trứng, tỷ lệ sống ngoài tự nhiên của trứng rùa và con non còn thấp. Việc săn bắt, buôn bán rùa bừa bãi và quản lý lỏng lẻo như hiện nay khiến các loài rùa nước ta rơi vào tình trạng nguy cấp. Để cứu lấy loài rùa nói riêng và động vật hoang dã nói chung, chúng ta cần tuyên truyền để nâng cao ý thức công dân, tăng cường quản lý việc săn bắt, buôn bán động vật hoang dã và bảo vệ môi trường.

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn rùa với tốc độ... “rùa”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.