Nông nghiệp

Bảo tồn, phát triển nguồn gen quý cây mít bản địa

Ánh Dương 17/07/2024 - 06:26

Toàn thành phố Hà Nội hiện có 1.135ha trồng mít các loại, năng suất bình quân đạt 147,23 tạ/ha, tổng sản lượng 14.075 tấn/năm, hiệu quả kinh tế đạt hơn 280 tỷ đồng/năm.

Mít được trồng tập trung ở một số huyện, thị xã: Sơn Tây, Phúc Thọ, Ba Vì, Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Đông Anh, Thanh Oai... Hiện thành phố đang thực hiện các giải pháp nhằm bảo tồn nguồn gen quý của giống mít bản địa, qua đó từng bước xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị thương phẩm từ cây trồng này.

mit.jpg
Cây mít đầu dòng tại xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây) tạo nguồn gen quý phục vụ phát triển, nhân rộng vùng trồng mít. Ảnh: Trung Nguyên

Đa dạng các giống mít bản địa

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Vũ Thị Hương, trên địa bàn thành phố hiện có 1 cây mít tại xã Cổ Loa (huyện Đông Anh) với tuổi đời hơn 300 năm, đã được công nhận là cây di sản quốc gia. Còn tại huyện Ba Vì, có 5 cây mít na ưu tú, độ tuổi hơn 15 năm, khả năng chống chịu sâu đục thân tốt, đạt hơn 80 quả/cây, năng suất hơn 400kg quả/cây và năm 2015 được Sở NN&PTNT Hà Nội công nhận là cây đầu dòng. Hiện loại mít này đã được cơ quan chuyên môn nghiên cứu điều tra, tuyển chọn để khai thác mắt ghép nhằm phục hồi, phát triển giống mít có chất lượng cao ở Hà Nội và các vùng phụ cận.

Trong khi đó, xã Cổ Đông (thị xã Sơn Tây) có khoảng 30.000 cây mít, trồng trên tổng diện tích 40ha, mỗi năm cho sản lượng 2.000 tấn quả. Mít Cổ Đông nổi tiếng thơm ngon, giúp nhiều hộ gia đình giàu lên từ chuyên canh, cho thu nhập 300-400 triệu đồng/năm. Chủ tịch UBND xã Cổ Đông Khuất Văn Xuyên cho biết, xã định hướng phát triển nghề mộc thủ công truyền thống, phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng gắn với thương hiệu mít Cổ Đông và phấn đấu xây dựng trái mít dai ta đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).

Tương tự, xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây) có 15ha trồng mít các loại. Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Đông Phùng Xuân Trí chia sẻ, ngoài việc tiêu thụ mít tươi, việc phát triển các sản phẩm chế biến từ cây mít là hướng đi tiềm năng của nhân dân địa phương, như: Múi mít sấy, sữa chua mít, chè mít, rượu mít; đồ gia dụng, nội thất, đồ thờ được làm từ gỗ mít…

Xã Phú Cường (huyện Sóc Sơn) cũng có nhiều giống mít chất lượng tốt, năng suất cao. Đặc biệt, gia đình bà Nguyễn Thị Huệ và gia đình ông Nguyễn Thành Tiến ở đội 3, thôn Tân Trại (xã Phú Cường) có vườn mít cổ là mít dai chín sớm, mít dai chín muộn, mít na, tuổi đời từ 60 đến 80 năm. Quả mít dai ở Phú Cường có múi màu vàng, ít xơ, ngọt, mùi rất thơm và hạt nhỏ, nặng khoảng 6-10kg/quả. Nhiều cây cho thu hoạch 3-5 tạ quả/năm…

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương thông tin thêm, toàn thành phố hiện có 28 cây mít đầu dòng, gồm các loại: Mít na Ba Vì, mít dai Cổ Loa (Đông Anh) và thị xã Sơn Tây. Đáng chú ý, năm 2022, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm quả mít tươi được trồng tại thị xã Sơn Tây. Đây là tiền đề giúp những người trồng mít của Sơn Tây nói riêng, thành phố Hà Nội nói chung quảng bá và phát triển kinh tế từ cây mít. Những cây mít đầu dòng là nguồn cung cấp giống chất lượng cao, giúp mở rộng diện tích trồng cây mít đặc sản trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.

Định hướng phát triển vùng trồng mít

Mít là cây ăn quả lâu năm, dễ trồng, dễ chăm sóc và cũng mang lại giá trị kinh tế cao. Cụ thể, quả mít là nguồn cung cấp dồi dào về dinh dưỡng, có thể sử dụng để ăn trực tiếp hoặc chế biến thành mít sấy khô, sấy dẻo, làm mứt, làm bánh… Thân cây mít được sử dụng trong sản xuất các đồ gia dụng, đặc biệt là đồ thờ cúng…

Tuy nhiên, quả mít mới chủ yếu được sử dụng ăn tươi, việc chế biến và tiêu thụ chưa ổn định. Hạn chế lớn nhất hiện nay là khâu tổ chức sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, gây khó khăn cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng, kiểm soát chất lượng, tiêu thụ sản phẩm, tổ chức liên kết chế biến và xây dựng các chuỗi giá trị…

Để khắc phục những bất cập, hạn chế trên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang rà soát lại diện tích trồng mít, từ đó có định hướng cụ thể về vùng sản xuất tập trung gắn với chế biến, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ và có chính sách hỗ trợ cụ thể về cơ sở hạ tầng. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp sẽ tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến, chuyển giao quy trình sản xuất tiên tiến cho người dân, bảo đảm các yêu cầu của thị trường về chất lượng, an toàn thực phẩm và hướng đến xuất khẩu.

Còn theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, việc bảo tồn nguồn gen quý về giống mít bản địa luôn được thành phố Hà Nội quan tâm. Các địa phương cũng luôn tạo điều kiện để các hộ trồng mít được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc, nâng cao chất lượng sản phẩm từ cây mít. Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục lựa chọn, bình tuyển, quản lý và khai thác hiệu quả cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng để nâng cao giá trị kinh tế từ cây mít.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn, phát triển nguồn gen quý cây mít bản địa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.