(HNM) - Để các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống “sống” được trong bối cảnh hiện nay, nhiều đơn vị nghệ thuật đã có sáng tạo, thử nghiệm mới mẻ. Song song đó, công tác bảo tồn nguyên vẹn giá trị cốt lõi của các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống vẫn được người làm nghề quan tâm thực hiện. Nỗ lực này vừa tránh sự mai một, vừa tạo đà để nghệ thuật truyền thống phát triển bền vững.
Làm sống lại giá trị truyền thống
Hơn một năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, mọi hoạt động biểu diễn phục vụ khán giả của Nhà hát Chèo Việt Nam phải tạm dừng. Trước tình hình đó, nhà hát đã chuyển hướng sang tổ chức hoạt động ghi âm, ghi hình các chương trình, vở diễn, tiết mục truyền thống, phục vụ công tác lưu giữ, bảo tồn nguyên gốc.
Chỉ tính riêng năm 2020, nhà hát đã mời các nghệ sĩ thực hiện ghi âm, ghi hình gần 100 làn điệu hát chèo truyền thống. Năm 2021, nhà hát tiếp tục mời các nghệ sĩ uy tín thực hiện ghi âm, ghi hình 30-60 làn điệu nhạc chèo. Đồng thời, các nghệ sĩ nhà hát chia ca tập luyện để thực hiện ghi hình 8 chương trình, 7 vở diễn chèo cổ, tiêu biểu như: “Quan Âm Thị Kính”, “Kim Nham”, “Trinh Nguyên”… Ngoài ra, Nhà hát Chèo Việt Nam vẫn duy trì sân khấu nhỏ “Chiếu chèo” vào tối thứ sáu hằng tuần tại Rạp Kim Mã, để các nghệ sĩ trẻ biểu diễn những trích đoạn chèo cổ. Ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, sân khấu này sẽ được kích hoạt trở lại, phục vụ khán giả.
Trong khi đó, Nhà hát Tuồng Việt Nam duy trì đầu tư, tinh luyện các vở diễn cổ, trích đoạn đặc sắc để biểu diễn, giới thiệu và truyền dạy cho thế hệ trẻ. Thậm chí, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngay từ giữa năm 2020, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã tổ chức ghi hình nhiều vở tuồng cổ mẫu mực, như: “Sơn Hậu”, “Nghêu Sò Ốc Hến”… và các trích đoạn đặc sắc khác, như: “Ôn Đình chém Tá”, “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”… do nhiều thế hệ nghệ sĩ biểu diễn, đăng tải trên mạng xã hội Youtube để giới thiệu và quảng bá.
Tương tự, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội… cũng vẫn duy trì việc tập luyện, biểu diễn các tích trò, vở diễn kinh điển.
Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, cá nhân cũng nỗ lực để bảo tồn nguyên vẹn vốn nghệ thuật truyền thống. Có thể kể đến nghệ sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long với dự án “Ngâm Kiều toàn truyện” vừa hoàn thành và cho ra mắt khán giả trên kênh Youtube Dân ca & Nhạc cổ truyền hồi đầu tháng 4 vừa qua. Với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ uy tín, như: Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoài, Thúy Ngần, Nghệ sĩ ưu tú Quốc Khanh..., toàn bộ 3.254 câu thơ trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du đã được thể hiện theo đúng lối ngâm Kiều truyền thống với tổng thời lượng 561 phút, chia làm 12 chương. Đến nay, mỗi chương có hàng nghìn lượt người nghe. Nhóm Xẩm Hà thành, Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long, Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội, nhóm Đông Kinh cổ nhạc… cũng đang thể hiện sự nỗ lực gìn giữ nghệ thuật truyền thống thông qua việc truyền dạy và duy trì hoạt động phù hợp tại khu vực phố cổ Hà Nội.
Bà Trần Hải Yến (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Thưởng thức những làn điệu, vở diễn mẫu mực của nghệ thuật truyền thống luôn khiến tôi xúc động. Ngoài sự truyền cảm, hấp dẫn, các tác phẩm, tiết mục còn chứa đựng nhiều bài học giá trị, nhân văn. Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, chúng ta vẫn có thể thưởng thức các chương trình qua mạng internet”.
Chắt lọc tinh hoa, sáng tạo tác phẩm mới
Nghệ thuật truyền thống đang gặp nhiều khó khăn, song các đơn vị nghệ thuật và giới nghề vẫn coi trọng, nỗ lực gìn giữ nguyên vẹn vốn cổ truyền của dân tộc.
Nghệ sĩ nhân dân Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết, những tác phẩm, làn điệu, vai diễn mẫu mực chính là “khuôn vàng, thước ngọc” của mỗi môn nghệ thuật, đồng thời là thước đo tài năng của nghệ sĩ. Vì vậy, việc thực hiện ghi âm, ghi hình không những góp phần bảo tồn nguyên vẹn nghệ thuật biểu diễn truyền thống, mà còn giúp các nghệ sĩ rèn nghề. Còn theo nghệ sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, nghệ thuật truyền thống được gìn giữ tốt nhất ở chính khả năng biểu diễn của nghệ sĩ. Khi đã bảo tồn được, các nghệ sĩ sẽ biết chắt lọc tinh hoa để sáng tạo nên những tác phẩm, tiết mục mới, vừa thấm đẫm truyền thống, vừa phù hợp với đời sống hiện nay.
Để thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn nghệ thuật truyền thống, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn cho rằng, cần động viên, khuyến khích các nghệ sĩ kỳ cựu, có uy tín trong nghề tham gia ghi âm, ghi hình và truyền dạy cho thế hệ sau. Cùng với đó, các nghệ sĩ trẻ phải liên tục trau dồi, khổ công luyện tập các tác phẩm, vở diễn mẫu mực, vừa bảo tồn giá trị truyền thống, vừa xây dựng nền tảng từ đó sáng tạo, phát triển. Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoài chia sẻ: “Vốn nghệ thuật cổ truyền cần được truyền lại nguyên vẹn cho thế hệ sau, để hồn cốt dân tộc, tâm huyết sáng tạo của cha ông không bị mai một”.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lê Minh Tuấn cho biết, để nghệ thuật truyền thống thực sự phát triển “sâu rễ, bền gốc”, Bộ đang xây dựng Đề án phát triển tài năng và bảo tồn, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống giai đoạn 2021-2030. Ngoài ra, Cục Nghệ thuật biểu diễn chú trọng tổ chức các cuộc thi tài năng biểu diễn nghệ thuật truyền thống và hỗ trợ các đơn vị giới thiệu, quảng bá nghệ thuật truyền thống trên các phương tiện truyền thông…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.