Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo tồn di tích: Thiếu chuẩn quốc gia

Minh Ngọc| 08/03/2010 06:50

(HNM) - Từ nhiều năm qua, công tác bảo tồn, tôn tạo, trùng tu di tích (DT) ở nước ta chưa đạt được hiệu quả như mong muốn bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó, chúng ta gặp không ít vấn đề về tính liên ngành, đa ngành hoặc xuyên ngành trong bảo tồn DT.

Theo PGS-TS Ngô Văn Doanh, Tổng biên tập Tạp chí "Nghiên cứu Đông Nam Á" thì đây là vấn đề xưa cũ lắm rồi. Tuy nhiên, vấn đề tưởng như xưa cũ ấy cho đến nay vẫn luôn "nóng" bởi DT vẫn còn bị xâm phạm nhiều do thiếu sự phối hợp liên ngành.

Kinh nghiệm tu bổ đình Chu Quyến

Đình Chu Quyến là một trong những ngôi đình được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa sớm nhất ở nước ta (năm 1962) và có quy mô kiến trúc vào loại lớn nhất xứ Đoài. Ngày 27-9-2008, Bộ VH,TT&DL ký quyết định phê duyệt Dự án "Thực hiện tu bổ, tôn tạo đình Chu Quyến" và giao cho Cục Di sản văn hóa phối hợp với Viện Bảo tồn di tích thực hiện.

Đình Nam Hương đã được trùng tu. Ảnh: Linh Tâm

Để phục vụ cho việc tu bổ, tôn tạo đình, nhóm thực hiện dự án đã thực hiện hàng loạt công việc như nghiên cứu tư liệu cũ, khảo sát khảo cổ học để tìm lại dấu vết, hiện vật cũ góp phần làm tăng giá trị của di tích; sau đó tiến hành khảo sát kiến trúc, kết cấu cũ làm cơ sở cho việc lắp dựng. Việc nghiên cứu xác định các loại nấm mốc, mối mọt, côn trùng cũng được tiến hành nhằm tìm ra những chủng loại sinh vật gây hại, từ đó đưa ra phương án tối ưu để diệt và bảo quản vật liệu gỗ. Ngoài ra, nhóm thực hiện dự án còn lấy ý kiến của cán bộ, người dân địa phương, đặc biệt là các cụ cao tuổi để biết được quá trình hình thành, những biến đổi diễn ra trong suốt quá trình tồn tại của DT; đồng thời tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, trao đổi tại DT với sự tham gia của nhiều chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau để chắt lọc các ý kiến có giá trị.

Với cách tiếp cận đa ngành, liên ngành như vậy, việc tu bổ, tôn tạo đình Chu Quyến không chỉ giải quyết thấu đáo các vấn đề đặt ra đối với việc bảo tồn lâu dài DT, mà còn lưu giữ được những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc trên những thành phần vật chất của ngôi đình sau khi trùng tu...

Tuy nhiên không phải đình, chùa nào cũng được phục dựng, tu bổ một cách bài bản như vậy. Thực tế, có không ít DT đã mất đi giá trị văn hóa kiến trúc sau khi phục dựng và đau lòng hơn, nhiều DT đang bị xâm hại do thiếu sự quản lý liên ngành.

Thiếu một bộ chuẩn quốc gia về bảo tồn

Các nhà khoa học có mặt tại Hội thảo "Tính liên ngành trong bảo tồn DT" do Viện Bảo tồn DT tổ chức mới đây đều thống nhất rằng: Việc bảo tồn DT cần có sự tham gia của chuyên gia đa ngành, nhưng cơ chế nào để có thể tạo ra sự phối hợp đa ngành ấy thì không chỉ chuyên gia mà lãnh đạo cấp cục, vụ, viện của Bộ VH-TT&DL cũng chưa có câu trả lời thỏa đáng. PGS-TS Trương Quốc Bình, Vụ phó Vụ Khoa học - Công nghệ - Môi trường (Bộ VH-TT&DL) nhấn mạnh: Điều quan trọng là phải nâng cao nhận thức, nâng cao "quan trí" về bảo tồn DT, chứ không chỉ nâng cao dân trí, bởi dân có thể làm sai nhưng nếu "quan" không cho phép thì dân không làm sai được. Từ quan điểm đó, PGS-TS Trương Quốc Bình đề nghị Viện Bảo tồn DT nghiên cứu xây dựng bộ chuẩn quốc gia về bảo tồn DT.

Sốt ruột vì đến thời điểm này, việc trùng tu DT vẫn thực hiện theo Luật Xây dựng, trong khi mỗi DT là một sản phẩm của lịch sử, không bao giờ có thể lặp lại, GS Nguyễn Hải Kế, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV cho rằng: Khi lập dự án tu bổ, tôn tạo DT thì phải phân định rõ đâu là giá trị lịch sử, đâu là giá trị văn hóa của DT bởi giá trị lịch sử như kết cấu, kích thước, vật liệu... ít biến đổi, còn yếu tố văn hóa phụ thuộc rất lớn vào ý tưởng thẩm mỹ, sáng tạo cá nhân hay nhóm, hay tinh thần thời đại nên dễ biến đổi theo thời gian. Do đó, nếu không phân định rạch ròi những giá trị lịch sử của DT sẽ dẫn đến việc, sau khi trùng tu, DT thành một công trình mới.

GS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia cũng nhấn mạnh việc phải tìm lại những tư liệu cổ nhất của DT để phục vụ việc trùng tu, chứ không thể đem "râu ông nọ cắm cằm bà kia" như việc tu bổ một số DT lớn bị dư luận lên án trong thời gian gần đây...

Ý kiến ngược xuôi trong việc bảo tồn DT luôn rất nhiều, song thực tế đã chứng minh nếu cán bộ khoa học các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với nhau thì việc trùng tu DT có chất lượng như đã làm được ở đình Chu Quyến là hoàn toàn có thể. Bởi thế, đã đến lúc cần có bộ chuẩn quốc gia về trùng tu DT, trong đó quy định rõ vai trò, trách nhiệm của các ngành.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn di tích: Thiếu chuẩn quốc gia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.