(HNM) - Ở Hà Nội, hầu hết lễ hội dân gian diễn ra vào mùa xuân trong không gian các di tích lịch sử, văn hóa. Một mùa lễ hội lại đến, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản tiếp tục được giới khoa học và các nhà quản lý văn hóa đưa ra với nhiều trăn trở. Ý kiến từ những cuộc bàn thảo về vấn đề này cho thấy việc phát huy vai trò của cộng đồng giữ vai trò quan trọng.
Khẳng định quyền chủ thể
Cộng đồng ngày càng khẳng định quyền chủ thể văn hóa của mình thông qua việc đóng góp kinh phí để tu bổ, tôn tạo di tích và hưởng thụ các sản phẩm tinh thần từ đó. Ở huyện Gia Lâm, từ năm 2005 đến nay, nhân dân đã đóng góp hơn 50 tỷ đồng để tu bổ 69 di tích, trong đó công trình di lăng và đền thờ Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân (xã Ninh Hiệp) được tiến hành hoàn toàn nhờ nguồn xã hội hóa (hơn 14 tỷ đồng). Sau khi hoàn thành, công trình là địa chỉ văn hóa đáng chú ý, thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, chiêm bái, góp phần giáo dục lịch sử, văn hóa truyền thống cho các thế hệ người Việt Nam.
Lễ hội Đền Gióng (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm). Ảnh: Nhật Anh |
Cũng ở Gia Lâm, Hội Gióng (xã Phù Đổng) là minh chứng cụ thể, sinh động cho việc huy động sức mạnh của cộng đồng để bảo vệ di sản. Hằng năm, hơn 1.000 người dân trong xã tự nguyện đóng góp thời gian, công sức, tiền của tổ chức lễ hội và nhờ đó, Hội Gióng vinh dự trở thành di sản chung của nhân loại.
Quận Tây Hồ, sau gần 20 năm thành lập đã tiến hành tu bổ, tôn tạo 100% số di tích trên địa bàn với mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng (nguồn xã hội hóa 150 tỷ đồng). Các di tích này đã và đang là địa chỉ sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng; đồng thời là không gian để cộng đồng tổ chức lễ hội vào dịp đầu xuân. Ông Vũ Hoài Phương, Trưởng phòng VH-TT quận Tây Hồ cho biết: "Mỗi năm quận Tây Hồ có 15 lễ hội lớn nhỏ diễn ra tại các di tích. Tất cả lễ hội đều do cộng đồng tổ chức với tinh thần trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm, chưa hề có sai phạm xảy ra".
Với phương châm Nhà nước
và nhân dân cùng làm, ngoài ban quản lý di tích chung, mỗi di tích trên địa bàn quận Hà Đông đều có một tiểu ban quản lý di tích riêng do tổ dân phố bầu ra (gồm đại diện chính quyền tổ dân phố và người có uy tín trong hội người cao tuổi). Các tiểu ban quản lý di tích có trách nhiệm trông coi, bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị của di tích…
Những ví dụ trên cho thấy, cộng đồng góp sức người, sức của để trùng tu di tích; tham gia quản lý, tổ chức lễ hội, vừa chia sẻ gánh nặng cho ngân sách nhà nước, vừa góp phần bảo vệ di sản.
Gắn kết lợi ích
Vai trò của cộng đồng đối với di sản đã được khẳng định, song việc phát huy vai trò đó như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất vẫn là vấn đề đáng lưu tâm.
Theo ông Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, trong quá khứ, yếu tố huyết thống, cội nguồn, địa bàn cư trú, không gian sinh tồn… có vai trò hàng đầu trong việc gắn kết cộng đồng. Ngày nay, yếu tố tạo nên sự gắn bó của cộng đồng là lợi ích và mối quan tâm chung, sự bền vững của cộng đồng phụ thuộc chủ yếu vào khả năng thiết lập sự cân bằng giữa lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm xã hội và lợi ích cộng đồng. Muốn phát huy vai trò của cộng đồng thì trước hết phải phát huy năng lực của từng cá nhân, tôn trọng ý kiến, quyền tự quyết, tự chịu trách nhiệm của cộng đồng, không áp đặt.
Bà Đào Thùy Linh, Phòng VH-TT quận Hà Đông cho biết: Trước khi tu bổ, tôn tạo di tích, Hà Đông đều tổ chức lấy ý kiến của nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận và tìm phương án khả thi. Trong quá trình trùng tu, các tiểu ban quản lý di tích lập tổ giám sát, mời đại diện cộng đồng tham gia giám sát quá trình tu bổ, tôn tạo. Đối với lễ hội, chính quyền chỉ theo dõi, giám sát công tác tổ chức và lên phương án bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, còn người dân chủ động tổ chức các hoạt động lễ và hội. "Khi cộng đồng được tôn trọng, được thấy thành quả từ sự đóng góp của mình, họ sẽ chung sức, chung lòng bảo vệ thành quả đó" - bà Đào Thùy Linh nhận định.
Huy động sức dân, nâng cao hiểu biết của người dân về di sản cũng là cách để phường Yên Sở (quận Hoàng Mai) giữ được dáng dấp làng quê truyền thống vùng Đồng bằng Bắc bộ, có đủ không gian sinh hoạt văn hóa, tổ chức lễ hội cho cư dân. Ông Vũ Văn Tròn, Chi hội trưởng Di sản văn hóa Sở Thượng cho biết: Tổng kinh phí người dân Sở Thượng và khách thập phương đóng góp để trùng tu các di tích lên tới hơn 17 tỷ đồng. Chi hội Di sản văn hóa của làng nay đã có hơn 60 thành viên.
Kinh tế, xã hội ngày càng phát triển, việc huy động nguồn lực vật chất để bảo tồn di sản không quá khó, nhưng để nguồn lực vật chất chuyển hóa thành các giá trị văn hóa tinh thần thì không phải nơi nào cũng làm được. Những gì đang diễn ra ở Tây Hồ, Gia Lâm, Hoàng Mai, Hà Đông… có thể là gợi ý đáng giá.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.