(HNM) - Bên cạnh những động thái gấp rút của các quốc gia châu Âu nhằm thiết lập "bức tường lửa tài chính" đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công liên tục leo thang, trong tuần qua, dư luận thế giới cũng dành sự quan tâm đặc biệt tới kế hoạch hoán đổi vị trí của bộ đôi quyền lực nhất nước Nga Vladimir Putin - Dmitri Medvedev trong cơ cấu ban lãnh đạo Nga sau cuộc bầu cử tổng thống tháng 3-2012.
Cuộc đổi ngôi của nước Nga đang diễn ra được đánh giá là một lựa chọn đúng giúp duy trì ổn định chính trường, bảo đảm không có những thay đổi quá lớn trong các chính sách đối nội và đối ngoại của Moskva. Tuy nhiên, không có kịch bản nào hoàn hảo 100%. Sự kiện Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin bị buộc phải từ chức vì công khai từ chối phục vụ trong chính phủ nhiệm kỳ tới nếu Tổng thống D.Medvedev đứng đầu, được xem là "sự cố" ngoài mong đợi trong lộ trình duy trì quyền lực của bộ đôi Putin - Medvedev.
Thủ tướng Nga V.Putin và Bộ trưởng Tài chính A.Kudrin. |
Bắt đầu giữ vị trí Bộ trưởng Tài chính từ năm 2000, ông A.Kudrin được coi là "kiến trúc sư" của nền kinh tế khi góp phần không nhỏ đưa nền kinh tế Nga vượt qua vực thẳm của nguy cơ vỡ nợ hồi cuối những năm 90 của thế kỷ trước và mang lại ổn định vĩ mô cho hệ thống tiền tệ của xứ sở Bạch dương. Cũng như Tổng thống D.Medvedev, ông A.Kudrin là người khá gần gũi với Thủ tướng V.Putin từ nhiều năm nay. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng chính trị gia này từng nuôi hy vọng trở thành chủ nhân của chiếc ghế thủ tướng trong nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên, việc Thủ tướng V.Putin tuyên bố sẽ chỉ định ông D.Medvedev vào vị trí này nếu đắc cử tổng thống đã phá hỏng "giấc mơ" của cựu Bộ trưởng Tài chính A.Kudrin.
Vấn đề ở chỗ, cả Tổng thống D.Medvedev và "kiến trúc sư" A.Kudrin đều là những nhân vật mà Thủ tướng V.Putin không muốn thiếu trong cỗ máy sắp vận hành. Vì trong những năm tới, để duy trì đà tăng trưởng bền vững, nước Nga vẫn phải tiếp tục thực hiện chương trình tư nhân hóa, cải cách tiền lương hưu và thuế mà ông A.Kudrin đã xây dựng.
Tuy nhiên, trước thềm các cuộc bầu cử, Thủ tướng V.Putin và Tổng thống D.Medvedev không thể cho phép bất kỳ chướng ngại nào làm ảnh hưởng tới kế hoạch đã định và việc bảo vệ tình đoàn kết của "bộ đôi" trở thành ưu tiên hàng đầu. Trong bối cảnh ấy, các phát biểu của ông A.Kudrin được cho là làm nhụt ý chí của lực lượng ủng hộ cặp đôi quyền lực nhất nước Nga. Đối mặt với tình huống nằm ngoài dự định này, Thủ tướng V.Putin đã buộc phải đưa ra một quyết định khó khăn để bảo toàn đại cục.
Quyết định của Thủ tướng V.Putin bổ nhiệm Thứ trưởng Tài chính Anton Siluanov làm Bộ trưởng Tài chính tạm quyền chưa đầy hai ngày sau khi ông A.Kudrin từ chức cho thấy nhà lãnh đạo 59 tuổi này sẽ kiên quyết loại bỏ mọi nhân tố có thể làm chệch hướng "cỗ xe song mã". Tuy nhiên, để bảo vệ những thành quả kinh tế nước Nga đã gặt hái được trong một thập kỷ qua, gánh nặng dồn lên vai ông A.Siluanov không hề nhỏ. Tuy có học vị Tiến sĩ kinh tế và được cử giám sát ngân sách của 83 khu vực thuộc Nga, cũng như quản lý trợ cấp ngân sách liên bang cho các vùng, nhưng vì không phải là người có danh tiếng trong giới tài chính quốc tế nên quyền Bộ trưởng Tài chính A.Siluanov sẽ phải đương đầu với khá nhiều khó khăn. Trước mắt là những phản ứng tiêu cực có thể xảy ra trong giới kinh doanh trước sự ra đi của ông A.Kudrin. Vì lâu nay, danh tiếng của cựu Bộ trưởng Tài chính A.Kudrin trong cộng đồng đầu tư quốc tế vốn được coi như sự bảo đảm để thu hút giới đầu tư nước ngoài vào Nga. Ngoài ra, nếu tiếp tục được tín nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính trong nội các mới sau bầu cử, A.Siluanov sẽ phải xây dựng kế hoạch đưa nước Nga trở thành một trong 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới như tham vọng của Thủ tướng V.Putin. Tức là nước Nga phải đạt được nhịp độ tăng trưởng từ 6-7% thay vì 4% như hiện nay. Đây quả thực là một thách thức không nhỏ, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn còn đang chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ năm 1930.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.