Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương cần lên phương án chuẩn bị ứng phó với cơn bão Rammasun bởi sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và khu vực tây bắc với sức gió mạnh cấp 10, gây mưa lớn.
Chiều 15/7, bão Rammasun (có nghĩa là Thần sấm) đã ở trên bờ biển phía đông, miền Trung Philippines với sức gió mạnh nhất từ 134 đến 149 km/h (cấp 13). Tiếp đó, bão di chuyển chệch lên phía bắc với vận tốc 20 km/h. Đến chiều 16/7, Rammasun sẽ giảm tốc xuống còn từ 103 đến 133 km/h (cấp 11, 12) và ở trên khu vực phía nam đảo Luzon (Philippines).
Chiều 17/7, Rammasun cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 380 km về phía đông đông bắc với sức gió mạnh nhất từ 103 đến 133 km/h (cấp 11,12).
Theo dự báo của Đài quan sát Hải quân Mỹ thì bão Rammasa đổ bộ vào đất liền VIệt Nam vào ngày 20/6. |
Theo ông Hoàng Đức Cường, giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng và Thủy văn Trung ương, sau khi bão đi vào Biển Đông vào chiều 16/7 sức gió sẽ giảm xuống còn cấp 9, 10 rồi lại tăng lên cấp 12, 13 khi đổ bộ vào Hải Nam (Trung Quốc). Lúc này, bão sẽ ảnh hưởng khu vực Vịnh Bắc Bộ và các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng với sức gió cấp 9,10 từ ngày 20 đến 23/7.
Cũng theo ông Cường, lượng mưa sẽ tăng dần từ ngày 18 đến 20/7 nhưng tập trung chủ yếu vào ngày 20-23/7 với lượng mưa 200-300 mm. Vùng bị ảnh hưởng nhiều nhất là các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và khu vực tây bắc, trong đó các tỉnh miền núi có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
Đại diện cơ quan khí tượng nhận định, cơn bão trên có nhiều điểm giống với bão số 2 xảy ra vào năm 1983 với tên gọi là Vera. "Cơn bão này khi đi vào biển Đông giảm khoảng 1, 2 cấp sau đó tăng tốc trở lại khi đổ bộ vào Hải Nam. Ảnh hưởng đến các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và gây lượng mưa tương đối lớn cho khu vực này", ông Cường nói.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão chiều 15/7, ông Nguyễn Xuân Diệu, Phó Tổng cục thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết đã thông báo cho 58.400 tàu với 235.000 người biết tình hình cơn bão Rammasun. Hiện ở khu vực biển Hoàng Sa có 79 tàu, với 781 lao động. Ông Diệu cũng khuyến cáo các địa phương vùng đông và tây bắc cần rà soát và lên phương án đối phó; nhất là thủ đô Hà Nội cần có phương án chống ngập lụt.
Nhận định đây là cơn bão có diễn biến bất thường, vùng ảnh hưởng rộng và cơn bão số 2 trên biển Đông này khả năng sẽ là cơn bão đầu tiên ảnh hưởng đến vùng đất liền Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các đơn vị chuẩn bị theo dõi sát sao và đưa ra các biện pháp ứng phó kịp thời, tránh thiệt hại về người và của. Phó Thủ tướng yêu cầu lực lượng liên quan kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển đi về phía nam hoặc vào bờ.
Với tàu cảnh sát biển và kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Bộ Quốc phòng cần tính toán thời gian đảm bảo an toàn cho hai lực lượng này. Bên cạnh đó, các đơn vị cần rà soát chương trình chống bão trong năm. Người dân được khuyến cáo chằng chống nhà cửa ngay từ đầu mùa bão, tránh trường hợp bão vào mới làm gây tai nạn không đáng có; đồng thời rà soát khu vực có khả năng đe dọa đến người dân như sạt lở, lũ quét, các hồ chứa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.