(HNM) - Hôm nay (22-1), lễ đón bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của UNESCO dành cho Hội Gióng sẽ diễn ra trang trọng tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm (Hà Nội).
Nhân sự kiện này, Hànộimới có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, người chủ trì công việc xây dựng bộ hồ sơ khoa học về Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc, để làm rõ hơn giá trị, ý nghĩa, hành trình Hội Gióng trở thành Di sản văn hóa thế giới.
Hình tượng ngựa sắt của Thánh Gióng xung trận trong Hội Gióng Phù Đổng. Ảnh: Anh Tuấn
- Thưa ông, nước ta có tới hơn 7.000 lễ hội truyền thống, nhưng đến nay mới chỉ có duy nhất Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc được UNESCO ghi danh. Vậy, Hội Gióng hẳn phải có rất nhiều tầng ý nghĩa?
- Đúng thế, Hội Gióng được giới nghiên cứu đánh giá như “một bảo tàng văn hóa”, lưu giữ nhiều lớp phù sa văn hóa - tín ngưỡng. Bởi lẽ, vốn là hội làng, nhưng từ khi Lý Công Uẩn dựng nghiệp ở Thăng Long, Hội Gióng đã mang tính toàn quốc, với ý nghĩa nêu cao tinh thần bảo vệ độc lập dân tộc. Mặt khác, Thánh Gióng còn là biểu tượng cho văn hóa nông nghiệp, cho sự giao hòa âm dương, tương sinh, tương khắc thông qua các hình thức, nghi lễ của lễ hội như: Quân của Gióng do đàn ông đóng, giặc Ân do đàn bà đóng, đám rước ra giếng Mẹ rửa vũ khí là hình ảnh ẩn dụ về sức mạnh của nguồn sữa mẹ; diễn xướng 3 trận đánh với chiếc chiếu gợi liên tưởng về cánh đồng, bát úp là đồi núi, các tấm giấy trắng trên bát là hình tượng của đám mây… Một giá trị độc đáo khác không thể không nói đến là tính cộng đồng trong lễ hội. Dù ở cạnh kinh đô cả nghìn năm nhưng lễ hội vẫn hoàn toàn của dân, do dân làm chủ và tổ chức. Những người tham gia hội đều là thanh niên và phải có tư cách, đạo đức, đặc biệt là người đóng vai ông Gióng. Điều này được UNESCO đánh giá rất cao.
- Xin ông cho biết rõ hơn, UNESCO công nhận Hội Gióng ở những tiêu chí nào?
- UNESCO vinh danh Hội Gióng ở 5 tiêu chí cơ bản là: Hội Gióng có nguồn gốc và gắn bó chặt chẽ với các cộng đồng ở vùng châu thổ sông Hồng, phản ánh bản sắc của cộng đồng, được lưu truyền từ đời này sang đời khác và mang lại nhận thức cho cộng đồng về sự tiếp nối truyền thống. Việc công nhận này sẽ góp phần phát huy tính sáng tạo của con người và sự đối thoại giữa các nền văn hóa, đồng thời đem đến một tầm nhìn về di sản văn hóa phi vật thể. Các biện pháp bảo vệ phong phú và đầy đủ nhằm bảo tồn, tư liệu hóa, lưu truyền, nhận biết và phát huy nhận thức về sự tiếp nối truyền thống của Hội Gióng xuất phát từ sự cam kết của cộng đồng và quốc gia. Cộng đồng tổ chức lễ hội đã được tham vấn, được cung cấp đầy đủ thông tin về quá trình làm hồ sơ đề cử, có sự đồng thuận tự nguyện từ trước và có sự hiểu biết. Hội Gióng đã được đưa vào danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam và hồ sơ được lưu trữ tại Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam.
- Vậy, con đường đến với danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của Hội Gióng có điều gì đặc biệt không, thưa ông?
- Khi thực hiện kế hoạch làm hồ sơ trình UNESCO công nhận Hội Gióng là di sản thế giới, các nhà khoa học của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã nghĩ đến một số di sản văn hóa phi vật thể khác, nhưng PGS-TS Nguyễn Văn Huy đã đề nghị hai lễ hội rất độc đáo ở Bắc bộ, nay thuộc Hà Nội là Hội Giá và Hội Gióng. Sau đó, như mọi người đã biết, Hội Gióng được các nhà khoa học Việt Nam “bỏ phiếu” cao hơn. Đến đầu quý II năm 2009, UBND thành phố Hà Nội có kế hoạch lập hồ sơ Hội Gióng “ứng cử” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, việc lập hồ sơ được giao cho Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam thực hiện. Tuy chúng tôi chỉ có khoảng 3 tháng để lập hồ sơ và gặp đôi chút khó khăn về sưu tầm tư liệu, hình ảnh, song rất may là Hội Gióng đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian từ nhiều năm trước đó nên giới khoa học có thêm thông tin để đối chiếu. Có thể kể ra An Nam chí lược của Lê Tắc từ thế kỷ XIII; các công trình nghiên cứu của GS người Pháp G.Doumetier, GS-TS Nguyễn Văn Huyên, Trần Quốc Vượng, Cao Huy Đỉnh, Toan Ánh, Trần Bá Chí… Đặc biệt là trong suốt quá trình lập hồ sơ, chúng tôi đã nhận được sự đóng góp tâm huyết của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, của Bộ VH,TT&DL cũng như UBND thành phố Hà Nội và các địa phương có di sản. Nhờ đó, hồ sơ Hội Gióng không chỉ được hoàn thiện đúng thời hạn mà còn đáp ứng đầy đủ yêu cầu của UNESCO.
- Một trong những nét độc đáo của Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc là tục đốt vàng mã, “hóa” hình voi chiến, ngựa chiến sau khi dâng lễ, trong khi ta lại có quy định về việc xử phạt đối với hành vi đốt vàng mã nơi công cộng. Vậy, theo ông, tục đốt vàng mã ở Hội Gióng nên được hiểu như thế nào?
- Tôi cho rằng, vàng mã là những đồng tiền, giấy vàng đỏ... Trong cơ chế thị trường, người ta quan niệm “trần sao, âm vậy”, từ đó mới có việc sản xuất các loại hàng mã như: nhà cao tầng, biệt thự, xe máy, ô tô, thậm chí cả... ô sin (người giúp việc). Hàng mã đó gọi là “đồ mã”. Trên đường phố, nhiều người cứ mang nhà lầu, xe hơi bằng giấy ra đốt, vừa lãng phí vừa gây phản cảm, thể hiện sự mê tín, cần phải được ngăn chặn. Còn hóa mã ở Hội Gióng đã là truyền thống văn hóa, là sự chuyển tải, gửi gắm những vấn đề tâm linh của cả cộng đồng, nên việc hóa voi chiến, ngựa chiến có thể diễn ra bình thường. Để tránh sự hiểu lầm, tôi cho rằng các cơ quan hữu quan nên có sự điều chỉnh, giải thích rõ hơn để người dân hiểu.
- Ông có lo rằng, một khi đã trở thành di sản nhân loại, Hội Gióng dễ thành “đất tốt” cho mê tín dị đoan và sự thương mại hóa không, thưa ông?
- Tôi không lo, vì Thánh Gióng đã là vị Thánh trong “tứ bất tử”, được ngưỡng mộ, dân chúng tỏ lòng thành kính là điều bình thường. Có điều, chúng ta cần tổ chức tốt để ngăn chặn hoạt động mang tính mê tín dị đoan, ngăn chặn dịch vụ không lành mạnh, tệ nạn xã hội… Tổ chức tốt thì không lo giá trị của di sản bị suy giảm.
- Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Chương trình hành động quốc gia về Hội Gióng 1. Hoàn thiện kết quả kiểm kê khoa học Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc, cập nhật hằng năm. Tiếp tục kiểm kê khoa học về Thánh Gióng ở các địa phương còn lại. 2. Lập danh sách những người thực hành lễ hội ở các địa phương có Hội Gióng và xây dựng chính sách ưu đãi với họ. 3. Sưu tập, phân loại, dịch ra chữ quốc ngữ các văn bia, thần tích, sắc phong liên quan đến Thánh Gióng ở các làng để lưu trữ và phục vụ cho việc tiếp cận của cộng đồng đối với các tư liệu đã có từ trước đến nay về Hội Gióng. 4. Nhà nước hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho các cộng đồng thờ Thánh Gióng tổ chức lễ hội như tập quán lâu nay. Ngăn ngừa xu hướng thương mại hóa, sân khấu hóa lễ hội. 5. Hỗ trợ cộng đồng các làng có Hội Gióng phục hồi đầy đủ Hội Gióng. 6. Bảo tồn, tôn tạo những di sản vật thể ở đền Phù Đổng, đền Sóc và các di tích liên quan đến Thánh Gióng ở các làng thuộc thành phố Hà Nội. 7. Thành lập CLB các làng thờ tự Thánh Gióng trên cơ sở các ban khánh tiết ở các làng hiện nay và xây dựng chương trình hoạt động cho CLB này. Đổi mới hoạt động của Trung tâm Du lịch - Di tích đền Sóc; củng cố, nâng cấp BQL Di tích lịch sử văn hóa đền Phù Đổng. 8. Hỗ trợ cộng đồng tự tổ chức, quản lý, tập luyện, thực hành các nghi lễ, trò diễn độc đáo của Hội Gióng ở đền Phù Đổng, đền Sóc; cộng đồng tự tổ chức quản lý, duy trì các lớp dạy múa hát Ải Lao của phường Ải Lao ở làng Hội Xá, quận Long Biên. 9. Bằng công nghệ tin học, xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học về Hội Gióng ở các làng liên quan, phục vụ công cuộc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. 10. Cục Di sản văn hóa, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Bộ VH,TT&DL) phối hợp với Vụ Phổ thông, Vụ Đại học (Bộ GD-ĐT) cải tiến, nâng cao chất lượng giờ dạy về truyền thuyết Thánh Gióng gắn kết với Hội Gióng của chương trình môn ngữ văn cấp II và đại học; xây dựng chuyên đề Hội Gióng để đưa vào giảng dạy ở nhà trường cấp II, III, nhất là các trường trên địa bàn các huyện liên quan đến Hội Gióng. 11. Mở chuyên mục định kỳ trên Đài PT-TH Hà Nội từ tháng Giêng đến hết tháng Tư âm lịch hằng năm để quảng bá Hội Gióng. Sử dụng đội truyền thanh cơ sở để giới thiệu giá trị của Hội Gióng trong cộng đồng làng xã các huyện Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh, Từ Liêm, Thường Tín và quận Long Biên. 12. Khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng xây dựng trang web riêng về Hội Gióng để phát triển du lịch bền vững. 13. Giúp cộng đồng nâng cao nhận thức về giá trị của di sản thông qua việc xuất bản và cung cấp cho cộng đồng những sản phẩm văn hóa về Hội Gióng dưới mọi hình thức: đĩa CD, VCD, DVD, sách, tờ gấp... 14. Tạo mọi điều kiện để cộng đồng tham quan, học hỏi các lễ hội tương tự Hội Gióng của các cộng đồng khác ở trong nước và ngoài nước. 15. Giao cho các cơ quan chức năng của Bộ VH,TT&DL phối hợp cùng các sở, ban, ngành của thành phố Hà Nội xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị của Hội Gióng giai đoạn 2011-2015. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.