Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo tàng Hà Nội ''chạy đua'' cùng tiến độ trưng bày

Nguyễn Thanh| 16/10/2021 06:24

(HNM) - Hiện nay, Bảo tàng Hà Nội đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ thiết kế thi công cũng như các nội dung chuyên môn khác để nhanh chóng chuyển đến giai đoạn xây lắp toàn bộ khu trưng bày thường xuyên. Dốc toàn lực, "chạy đua" cùng khối lượng công việc đồ sộ, Bảo tàng Hà Nội kỳ vọng câu chuyện lịch sử, văn hóa, con người Hà Nội sẽ chính thức ra mắt công chúng Thủ đô và du khách trong, ngoài nước vào tháng 10-2023.

Sắp đặt tiêu bản phục vụ khu trưng bày mẫu tại Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: Thanh Thủy

Tái hiện đầy đủ, chân thực lịch sử Thăng Long - Hà Nội

Dự án trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội được thực hiện trên tổng diện tích hơn 9.000m2 trong nhà và 22.000m2 phân khu ngoài trời. Ở các không gian này, gần 10.000 hiện vật sẽ được giới thiệu một cách trực quan sinh động, mang tới cho công chúng những cảm nhận sâu sắc và ấn tượng về tiến trình lịch sử, văn hóa của mảnh đất, con người Thăng Long - Hà Nội. Hỗ trợ cho mạch chuyện thêm cuốn hút và hấp dẫn không thể thiếu các giải pháp trưng bày hiện đại, như: Phim tư liệu, công nghệ tra cứu, đồ họa, tư liệu in ấn hiện đại... được trang bị tối ưu, góp phần nâng cao hiệu quả truyền tải nội dung, thông tin tới khách tham quan, nghiên cứu.

Theo Trưởng phòng Giáo dục, Truyền thông và Công chúng (Bảo tàng Hà Nội) Nguyễn Thị Ngọc Hòa, đơn vị đã thi công thí điểm khu trưng bày mẫu với đầy đủ nội dung được ứng dụng công nghệ, quy chuẩn đồ họa..., làm cơ sở đánh giá tính khả thi, chất lượng thi công trước khi tiến hành trưng bày tổng thể.

“Có tổng diện tích 180m2, khu trưng bày mẫu giới thiệu 3 nội dung thuộc chủ đề "Thiên nhiên Hà Nội": Trị thủy, động vật và thực vật. Với đa dạng cách thức tiếp cận, từ âm thanh, hình ảnh, mô hình, tiêu bản... đến hệ thống công nghệ tra cứu hiện đại, Bảo tàng Hà Nội mong muốn đem đến những cảm nhận đáng giá nhất cho người xem”, bà Nguyễn Thị Ngọc Hòa cho biết.

Cùng với chủ đề "Thiên nhiên Hà Nội", được thực hiện tại khu trưng bày mẫu, nội dung trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Hà Nội còn có 6 chủ đề lớn khác. Trong đó, mỗi chủ đề thể hiện một nội dung riêng biệt, như: Hành trình đến Thăng Long, Kinh đô Thăng Long thời Đại Việt, Kháng chiến và giành độc lập..., song vẫn bảo đảm sự logic, xuyên suốt để tái hiện một cách đầy đủ và chân thực về chiều dài lịch sử, văn hóa, tập quán, tín ngưỡng, đời sống tinh thần của Thăng Long - Hà Nội.

Thường xuyên theo dõi thông tin về tiến độ chuẩn bị trưng

bày của Bảo tàng Hà Nội, ông Nguyễn Lê Quang (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) chia sẻ: "Tôi rất kỳ vọng vào nội dung trưng bày cũng như các giải pháp mà Bảo tàng Hà Nội đang tích cực thực hiện để đưa đến công chúng những câu chuyện đặc sắc, riêng có của Thăng Long - Hà Nội".

Còn nhiều việc phải làm Với hơn 30.000m2 trưng bày cùng khối lượng công việc đồ sộ, đòi hỏi tiến độ gấp rút, Bảo tàng Hà Nội đang dốc toàn lực, "chạy đua" cùng thời gian để kịp thời ra mắt công chúng nội dung trưng bày hoàn chỉnh vào tháng 10-2023. Theo Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà, để hoàn thành khối lượng công việc lớn như trên, vẫn còn rất nhiều phần việc phải làm.

“Bảo tàng đã hoàn thiện hồ sơ thiết kế kỹ thuật. Đặt mục tiêu đến tháng 12-2021 phải hoàn thành hồ sơ thiết kế thi công; đầu tháng 2-2022 hoàn thiện toàn bộ nội dung chuyên môn (các bài giới thiệu, nội dung chú thích hiện vật, tư liệu, hình ảnh; thực hiện các phim tài liệu, video clip cho trưng bày; làm nội dung cho các khu trải nghiệm, khu tái tạo, màn hình tra cứu, hệ thống bản đồ…), để đến tháng 5-2022 chính thức khởi công lắp đặt tổng thể trưng bày. Song hành với công tác thi công, Bảo tàng sẽ tăng cường truyền thông, tiến hành xúc tiến du lịch, lập danh mục kết nối với các điểm đến trên địa bàn, tạo tour, tuyến hấp dẫn; xây dựng sản phẩm lưu niệm, quà tặng cũng như tạo dựng các không gian sáng tạo, trải nghiệm đi kèm, tạo sự đa dạng, hấp dẫn trong hoạt động tham quan, trải nghiệm”, ông Nguyễn Tiến Đà cho biết.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, chuyên gia tư vấn trưng bày của Bảo tàng Hà Nội cho rằng, để tăng hiệu quả trưng bày, trong thực hiện thi công, cần chú trọng tạo điểm nhấn, tránh việc giới thiệu thông tin một cách đơn điệu, dàn trải. Bên cạnh đó, các yếu tố đi kèm giúp điểm đến hấp dẫn, cuốn hút hơn cũng cần được chú trọng, như dịch vụ phục vụ khách tham quan, sản phẩm lưu niệm ấn tượng và riêng biệt, đa dạng hoạt động trải nghiệm...

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh, Bảo tàng Hà Nội là một trong những công trình trọng điểm của Thủ đô nên cần xây dựng nơi đây trở thành một bảo tàng tiêu biểu, đặc trưng, gắn với chiều dài lịch sử phát triển của Thủ đô và đất nước. "Chính vì vậy, Bảo tàng Hà Nội phải rà soát, lập danh mục, kế hoạch chi tiết, tiến độ các công việc cần thực hiện từ nay đến khi dự án hoàn thành, mở cửa đón khách tham quan; kết nối chặt chẽ với Hội đồng tư vấn khoa học để hoàn chỉnh thiết kế chi tiết từng khu trưng bày, nâng cao chất lượng kỹ, mỹ thuật, công nghệ trong quá trình thực hiện thi công...", ông Đỗ Đình Hồng lưu ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tàng Hà Nội ''chạy đua'' cùng tiến độ trưng bày

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.