(HNM) - Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các bảo tàng, di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội phải tạm dừng hoạt động tham quan, để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Với phương châm “Dừng đón khách, nhưng không dừng hoạt động”, các bảo tàng, điểm di tích đã và đang tích cực triển khai các chương trình nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản hiện vật; hoàn thiện nội dung trưng bày, thuyết minh cũng như nhiều kế hoạch dài hơi khác, sẵn sàng cho ngày mở cửa trở lại.
Không thụ động ngồi chờ
“Khát vọng tự do”, “Chắp cánh ước mơ”, “Ký ức Việt Nam” và “Sắc xuân trong ngục lửa” là tên 4 trưng bày chuyên đề, đang được Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò dốc sức hoàn thiện, nhằm kịp thời ra mắt công chúng và du khách, ngay khi hoạt động tham quan được khởi động trở lại. Phó Trưởng ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò Đặng Văn Biểu cho biết: “Năm nay, nước ta có nhiều ngày lễ lớn, sự kiện kỷ niệm trọng đại, như: 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 75 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 1010 năm Thăng Long - Hà Nội… Chính vì thế, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò xác định, tận dụng quỹ thời gian tạm đóng cửa này để xây dựng, hoàn thành những nội dung trưng bày, thuyết minh kỹ càng, hấp dẫn hơn, góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, quảng bá, giáo dục di sản”.
Cũng với phương châm không thụ động ngồi chờ hết dịch Covid-19, thời gian này, tiến độ hoàn thành thiết kế trưng bày thường xuyên tại Bảo tàng Hà Nội vẫn được giữ vững. Theo Trưởng phòng Trưng bày - Tuyên truyền, Bảo tàng Hà Nội Đặng Minh Vệ, qua hệ thống làm việc trực tuyến giữa cán bộ bảo tàng và các chuyên gia nước ngoài, 2/3 tổ hợp trưng bày đã được hoàn thiện thiết kế, với các chủ đề: Thiên nhiên Hà Nội, hành trình đến Thăng Long, Kinh đô Thăng Long thời đại Việt và Hà Nội thế kỷ XIX nửa đầu thế kỷ XX. Phần trưng bày còn lại, dự kiến hoàn thành vào tháng 6-2020. “Ngoài ra, các hoạt động phụ trợ, như: Sưu tầm, kiểm kê, bảo quản hiện vật... vẫn được duy trì. Công tác phối hợp với các làng nghề: Rối Đào Thục, gốm sứ Bát Tràng, đúc đồng Ngũ Xã... để hoàn thiện các nội dung giáo dục di sản tiếp tục được đẩy mạnh”, ông Đặng Minh Vệ thông tin thêm.
Tương tự, thời gian tạm dừng đón khách tham quan được Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám dành cho việc đầu tư xây dựng các chuyên đề chuyên sâu, nhằm bổ trợ hiệu quả cho nội dung thuyết minh chung đang có. Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, công tác tập hợp kết quả nghiên cứu, cập nhật cơ sở dữ liệu về di tích cũng được trung tâm đẩy mạnh, góp phần bổ trợ cho hoạt động thuyết minh, đồng thời làm cơ sở xây dựng trưng bày về Trường Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của đất nước.
Sẵn sàng cho ngày mở cửa trở lại
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có công tác bảo tàng, di tích. Tuy nhiên, không ít bảo tàng, di tích đã biến thách thức thành cơ hội để tập trung triển khai nhiều kế hoạch dài hơi, bổ sung, củng cố các hoạt động tại điểm đến thêm phần hấp dẫn, cuốn hút, sẵn sàng vận hành khi hoạt động trở lại. Trong khi Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đẩy mạnh công tác nghiên cứu phục dựng điện Kính Thiên và Lễ hội đèn Quảng Chiếu song hành cùng nhiệm vụ triển khai các dự án: Di chuyển nhà Cục Tác chiến; xây dựng đền thờ Ngô Quyền... thì Ban Quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm tiếp tục nghiên cứu, hình thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn; hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bổ sung sản phẩm lưu niệm... Về phần mình, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã ưu tiên hoạt động sưu tầm, bảo quản, phục chế hiện vật và chuẩn bị cho Hội thảo quốc tế về “Các phương pháp tổ chức trưng bày” sẽ diễn ra tại đây vào đầu tháng 10-2020.
Bên cạnh công tác chuyên môn, việc bảo đảm vệ sinh, an toàn phòng, chống dịch Covid-19 cũng được các bảo tàng, di tích chú trọng. Theo đó, các công trình văn hóa này đã tổ chức phun thuốc khử khuẩn quanh khu vực điểm đến và yêu cầu cán bộ, nhân viên rèn tập các kỹ năng hướng dẫn du khách thực hiện đúng quy định về phòng, chống dịch bệnh, như: Đeo khẩu trang, vệ sinh sát khuẩn tay thường xuyên…, sẵn sàng phục vụ khi hoạt động tham quan được khôi phục.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long Nguyễn Viết Chức đánh giá, việc chủ động ứng phó với dịch Covid-19 của các bảo tàng, di tích cho thấy những nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm phục vụ công chúng và du khách ngày một tốt hơn. “Để công tác này thêm hiệu quả, các bảo tàng, di tích có thể triển khai công nghệ trưng bày hiện đại, tổ chức dưới dạng trực tuyến hay tương tác ảo lồng ghép với hoạt động trải nghiệm khác cho khách tham quan. Đây không chỉ là hoạt động để ứng phó với dịch Covid-19 có thể kéo dài, mà còn là một giải pháp hiệu quả, tạo điều kiện cho những người không hoặc chưa thể đến tham quan, qua đó tăng cơ hội quảng bá, giới thiệu giá trị di sản văn hóa tới nhiều người hơn”, ông Nguyễn Viết Chức bày tỏ quan điểm.
Đề cập đến hoạt động của bảo tàng, di tích trong thời gian thực hiện đóng cửa, tập trung cho nhiệm vụ phòng, chống dịch, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết, hằng tuần Sở đều có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc, trong đó có các bảo tàng, di tích đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch Covid-19. “Đặc biệt, đối với các bảo tàng, di tích, cần chủ động phương án sẵn sàng phục vụ công chúng và du khách, ngay khi được phép mở cửa trở lại theo quy định tại Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ”, ông Tô Văn Động nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.