Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố cùng chính quyền địa phương đang thống kê thiệt hại và huy động lực lượng, phương tiện, khắc phục hậu quả bão số 6, sớm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân.
Hình ảnh về bão số 6 tại bờ biển Đồ Sơn (Hải Phòng) (Nguồn: dangcongsan.vn) |
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sau khi đi sâu vào khu vực vùng núi Thanh Hóa, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp. Hồi 04 giờ ngày 8/8, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 104,7 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt - Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ). Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 – 25km tiếp tục đi sâu vào đất liền, suy yếu và tan dần.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cũng cho biết, ngày và đêm 7/8, do ảnh hưởng của cơn bão số 6, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh đã có mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to. Tính đến 7 giờ sáng 8/8, lượng mưa đo được phổ biến từ 80 - 100mm, một số nơi cao hơn như: Tĩnh Gia 246mm, Tây Hiếu 240mm, Kỳ Anh 505mm, Hà Tĩnh 206mm... Dự báo mực nước trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh tiếp tục lên.
Theo thống kê ban đầu của Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, tính đến 7giờ 30 ngày 8/8, do ảnh hưởng của cơn bão số 6 đã làm 1 người chết tại Hải Phòng là em Phạm Thanh Sơn (sinh năm 1997), khi đi chơi sát mép kè ven biển Đồ Sơn bị sóng cuốn trôi vào lúc 16h30 ngày 7/8, hiện đã tìm thấy thi thể; 3 người của thuyền cá HT 00075 (Hà Tĩnh) bị mất tích. Bão số 6 còn làm hỏng 4 phương tiện của Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hải Phòng.
Hiện tại, các địa phương đang khẩn trương thống kê thiệt hại và triển khai công tác khắc phục hậu quả do bão số 6.
Sáng 8/8, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An cho biết, 2 tàu đánh cá của ngư dân Nghệ An bị nạn trên biển do ảnh hưởng bão số 6 đã được cứu hộ thành công.
Đó là tàu mang số hiệu NA-93044 TS, công suất 280 CV, do ông Trương Văn Thức, trú tại xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai làm chủ (trên tàu có 12 thuyền viên) bị nạn trên biển lúc 13 giờ 40 phút ngày 7/8 và tàu mang số hiệu NA-93410 TS do ông Bùi Sỹ Ớng, trú xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu làm chủ (trên tàu có 8 thuyền viên) bị nạn lúc 18 giờ 30 phút ngày 7/8.
Sau khi nhận được thông tin các tàu đánh cá của ngư dân gặp nạn trên biển, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ đội biên phòng Nghệ An, Bộ Tư lệnh Hải quân khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện thực hiện công tác cứu nạn. Đối với tàu cá NA-93044 TS, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Nghệ An đã điều động 01 tàu của Hải đội 2 thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng với 07 cán bộ để cứu nạn. Tuy nhiên, do sóng to, gió lớn nên tàu cứu nạn không thể tiếp cận được tàu bị nạn. Sau đó Bộ Tư lệnh Hải quân đã điều tàu mang số hiệu BP34-1901 tham gia cứu nạn.
Theo thông tin từ Văn phòng thường trực chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa, đến 5 giờ ngày 8/8, toàn bộ 3 người thuộc thủy thủ đoàn của chiếc xà lan bị trôi dạt trên biển từ chiều 7/8 đã được đưa lên bờ.
Rất may cho thủy thủ đoàn của xà lan trên, vào lúc 3 giờ ngày 8/8, một tàu vận tải đi từ phía Nam ra Thanh Hóa để cập cảng bốc xi măng tại Nghi Sơn (Thanh Hóa) đã phát hiện xà lan tại vị trí cách cảng vụ Nghi Sơn trên 10 hải lý về phía Nam. Tàu đã tiếp cận với xà lan gặp nạn, dùng thang dây để 3 thủy thủ trèo lên. Tuy nhiên, chỉ có 2 thủy thủ đủ sức khỏe trèo lên được tàu, người còn lại do sức yếu đành ở lại. Đến 5 giờ ngày 8/8, tàu của lực lượng cứu hộ thuộc Cảng vụ Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã tiếp cận được xà lan và đưa nốt người còn lại lên tàu. Hiện lực lượng chức năng đã điều tàu lớn ra tiếp cận, lai dắt xà lan vào bờ.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa cho biết: “Tuy bước đầu bão không gây thiệt hại về người, phương tiện nhưng lo ngại lớn nhất của chúng tôi là hàng ngàn ha diện tích nuôi ngao của bà con các xã Minh Lộc, Ngư Lộc, Đa Lộc, Hải Lộc… có nguy cơ thiệt hại nặng do bão chính Đông, bởi theo kinh nghiệm của dân gian, cũng như người nuôi ngao địa phương khi bão thổi hướng Đông kèm theo thuỷ triều dâng cao 4 - 6 mét ngao sẽ bị cuốn chồng lên nhau dẫn đến chết hàng loạt”.
Chiều tối 7/8, bão số 6 đã ảnh hưởng tới Thái Bình gây mưa to, gió giật mạnh cấp 7, cấp 8 đúng vào thời điểm nước triều cường lên khiến sóng biển dâng cao tới 3 mét, làm sạt một số bờ đầm nuôi trồng thủy sản tại huyện ven biển Tiền Hải. Mưa to, gió giật mạnh làm nhiều tuyến đường tại thành phố Thái Bình bị ngập.
Mặc dù không nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 6, tại Bình Dương, mưa lớn xảy ra kèm theo lốc xoáy chiều 7/8 đã quật sập biển quảng cáo cỡ lớn đặt trên đại lộ Bình Dương. Biển quảng cáo đè lên đường dây điện làm gãy trụ điện và đứt đường dây truyền tải điện khu vực thị xã Thuận An khiến hàng ngàn hộ dân bị mất điện sinh hoạt, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tại nhiều khu công nghiệp tập trung như: Đồng An, Việt Nam - Singgapor… Vụ tai nạn cũng khiến trạm chờ xe buýt đổ sập, rất may mọi người chạy thoát. Ngay sau sự cố thiên tai, chi nhánh Điện lực thị xã Thuận An đã huy động hàng chục nhân viên tập trung khẩn trương khắc phục hậu quả. Đến 20 giờ cùng ngày, sự cố mất điện mới được khắc phục tạm thời. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.