Từ sáng sớm nay trên địa bàn TP Móng Cái – Quảng Ninh, mưa kèm gió lốc giật mạnh từ cấp 9, lên đến cấp 10 đã gây nên những thiệt hại về tài sản nghiêm trọng. Những trận gió lốc kèm mưa lớn rồn rít liên hồi xô ngã người đi đường.
Ảnh: Tiền Phong |
Quảng Ninh: Gió giật cấp 10
Từ sáng sớm nay trên địa bàn TP Móng Cái – Quảng Ninh, mưa kèm gió lốc giật mạnh từ cấp 9, lên đến cấp 10 đã gây nên những thiệt hại về tài sản nghiêm trọng.
Những trận gió lốc kèm mưa lớn rồn rít liên hồi xô ngã người đi đường. Hàng trăm người dân thành phố Móng cái lưu thông trong mưa bão sáng nay đều không thể di chuyển được bằng phương tiện xe máy khi gió giật có lúc lên đến cấp 10.
Gió lớn cũng khiến toàn thành phố bị mất điện hoàn toàn làm cho sinh hoạt của người dân gặp khó khăn.
“Từ 3h sáng đến giờ tại TP Móng Cái gió thốc liên hồi kèm gió thổi mạnh gây đổ sập nhiều biển hiệu khiến nhiều người trong gia đình chúng tôi không dám bước ra đường. Trận mưa bão sáng nay khiến nhiều bà con kinh doanh trên các tuyến phố phải đóng cửa, nằm im trong nhà chờ bão đi qua”, anh Nguyễn Thế Cường, 32 tuổi, ở TP Móng Cái chia sẻ.
Đến 9h sáng nay, tâm bão đổ dồn vào 2 huyện Hải Hà và Đầm Hà, xô gãy 2 cột ăng ten bưu điện. Đã có nhiều ngôi nhà đã bị tốc mái tại Quảng Ninh.
Tính đến thời điểm hơn 10 giờ sáng nay, tại TP Móng Cái chưa phát hiện có thiệt hại nào về người. Về tài sản bị thiệt hại của người dân là có, tuy nhiên chưa thể có con số thống kê cụ thể.
Cường độ bão hiện đang mạnh cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Vùng tâm bão sẽ đổ bộ sau vài giờ nữa nhưng vành bão đã bắt đầu quét vào bờ biển và đất liền các tỉnh ven biển gây gió lớn đồng thời gây mưa lớn cho toàn miền Bắc.
Ở trạm đảo Bạch Long Vĩ đã đo được gió mạnh 17m/s (cấp 7), giật 24m/s (cấp 9); ở đảo Cô Tô gió giật mạnh 18m/s (cấp 8); ở Móng Cái (Quảng Ninh) gió giật 15m/s (cấp 7).
Những thiệt hại ban đầu do cơn bão số 2 gây ra tại TP Móng Cái, Quảng Ninh
Do ảnh hưởng của bão, các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông. Vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.
Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 3 – 5m.
|
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh và Ban Phòng chống lụt bão tỉnh đã tức tốc về Móng cái phối hợp với chính quyền địa phương bàn cách chống bão tại các điểm xung yếu.
Do sạt lở đoạn ven đê sông KaLong rất nghiêm trọng, UBND xã Hải Xuân đã kêu gọi cán bộ, người dân cùng chung tay khắc phục sự cố bằng cách vận chuyển các bao tải cát, đóng cọc tre mép sạt lở ngăn không để mưa bão hoành hành gây nguy hiểm cho tuyến đê trọng yếu ảnh hưởng đến khu dân cư bên trong đê.
Trước diễn biến khôn lường của cơ bão đổ bộ vào địa bàn, ông Dương Văn Cơ -Chủ tịch UBND TP Móng Cái đã chỉ đạo huy động lực lượng tối đa từ các cơ quan đơn vị, chuẩn bị phương án 4 tại chỗ, sẵn sàng ứng cứu các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở tại các mép sông KaLong; đội thường trực chống bão được huy động trực 24/24 để sẵn sàng ra quân ứng cứu các khu vực xung yếu xã Vạn Ninh.
Theo đó, địa phương đã ra quân thực hiện các biện pháp khẩn trương di dời những hộ gia đình bị gió lốc gây ảnh hưởng trên địa bàn xã và tìm phương án, ứng cứu chống đỡ cây cối, hoa màu của nông dân bị gió bão đánh tơi tả.
Ghi nhận tại TP Móng Cái, bắt đầu từ chiều tối qua các hoạt động giao thương vùng biên đã chính thức đóng cửa.
Tất cả các hoạt động kinh doanh buôn bán của tiểu thương cũng tạm dừng để phục vụ cho việc phòng chống cơn bão đang hướng vào đất liền.
Tại đảo Cô Tô, khoảng 7-9h sáng nay có sức gió mạnh cấp 9 cấp 10, giật cấp 11, biển động dữ dội và có mưa to.
Tại Hải Hà, gió cấp 9, giật cấp 10, mưa vừa, một số cây cối bị đổ, 142 ngôi nhà bị tốc mái. 1 người bị thương là ông Hoàng Văn Lai ở thôn 3 xã Tiến Tới.
Tại huyện Đầm Hà, gió cũng đã mạnh cấp 9, 10, giật cấp 11 kèm theo mưa nhỏ; nhiều cây đổ, một số công trình phụ bị tốc mái; đổ một cột ăng ten viễn thông cao 42m.
Lúc 10h sáng, tại TP Hạ Long đã có gió mạnh, giật từ cấp 9 lên cấp 10.
Nam Định: Mưa lớn
Trong buổi sáng 3/8, ảnh hưởng của bão số 5 đã gây mưa trên toàn tỉnh Nam Định. Các huyện ven biển của Nam Định gồm Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy đã khẩn trương thực hiện các biện pháp đối phó với bão.
Ngày 2/8, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Hoàng Văn Thắng đã trực tiếp kiểm tra kè 16 trên tuyến đê tả sông Đáy, thuộc địa phận xã Nghĩa Lạc; đê, kè biển Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng) và kè Mặt Lăng trên tuyến đê hữu sông Hồng, thuộc địa phận xã Trực Chính (Trực Ninh).
Tại kè 16 trên tuyến đê tả Đáy, đoạn bị sạt do bão số 2 dài 350m đã được xử lý bằng rọ đá, trải vải lọc và ấp trúc hoàn trả đê. Nam Định yêu cầu tập trung lực lượng đóng gông cọc tre, ấp bao tải bảo đảm không cho sóng đánh gây sạt lở và phải hoàn thành trong ngày 2/8. Tuyến đê, kè biển Nghĩa Phúc cũng là điểm bị sạt trước khi cơn bão số 2 xảy ra cũng đã được xử lý an toàn.
Với đoạn kè Mặt Lăng bị sạt 500m, Nam Định khẩn trương chỉ đạo lực lượng triển khai công tác bảo vệ đê tại chỗ.
Hiện 2.070 tàu, thuyền với 11.082 ngư dân đã nhận được thông tin, neo đậu an toàn tại các bến trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận.
Hải Phòng: Mưa nhỏ, gió nhẹ
Anh Phan Đình Hiếu, 25 tuổi, sống tại trung tâm TP.Hải Phòng cho biết, bắt đầu từ khoảng 3-4h sáng 3/8, trời bắt đầu có mưa, lượng mưa không lớn nhưng kéo dài nên sáng cùng ngày, một số tuyến phố bị ngập nhẹ.
Hiện tại, gió thổi cũng không mạnh. Dù bão chưa đổ bộ song người dân dọc biển Đồ Sơn đã chuẩn bị sẵn các phương án đối phó bão.
Hà Nội ứng trực chống mưa, ngập úng do bão số 5
Để chủ động phòng chống úng ngập khi có mưa lớn do ảnh hưởng của bão trên địa bàn Thành phố Hà nội, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội đã lên kế hoạch ứng trực, đối phó bão số 5.
Theo đó, khi có mưa bão, yêu cầu các đơn vị bố trí 100% lực lượng công nhân thực hiện ứng trực tại các vị trí theo phương án thoát nước mùa mưa năm 2013 đã được duyệt.
Đối với Xí nghiệp Cụm trạm bơm đầu mối Yên Sở: Chủ động hạ mực nước hồ điều hoà Yên Sở, hạ mực nước trên các kênh dẫn, kênh bao và các con sông đến mực nước quy định.
Các đơn vị còn lại rà soát các công trình đang thi công trên địa bàn quản lý, thanh thải dòng chảy, tháo dỡ các trường hợp làm thu hẹp dòng chảy, bố trí đầy đủ lực lượng ứng trực có đầy đủ phương tiện, công cụ dụng cụ, thiết bị cơ giới để giải quyết thoát nước tại các vị trí được phân công. Kiểm tra và xử lý các sự cố bất cập của ga thu trên các tuyến phố đảm bảo khả năng thu nước. Chuẩn bị vật tư đóng cọc căng dây cảnh báo nguy hiểm trên hệ thống sông mương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.